Ông Nguyễn Đức Chung đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Ngày 17/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic).
Ông Chung và ông Giang bị khởi tố, bắt giam về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water- CHLB Đức, qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn TP Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Trước đó, vào ngày 27/4/2020, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Ngày 20/8/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Ông Hùng bị khởi tố, bắt giam để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015".
Hành vi sai phạm của ông Hùng được xác định liên quan đến việc chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm ở Hà Nội.
Cũng vào thời điểm tháng 8/2020, khi ông Nguyễn Đức Chung bị tạm đình công tác, Thiếu tướng Tô Ân Xô khi đó đã cho hay, ông Chung bị điều tra liên quan đến 3 vụ án.
Trong đó, ông Chung bị điều tra về việc liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND TP.Hà Nội
Ông Nguyễn Đức Chung có liên quan thế nào?
Trước đó, sau "lùm xùm" việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, tháng 5/2019, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Thanh tra TP Hà Nội chủ trì thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy-3C, và yêu cầu sau khi hoàn thành thanh tra phải công khai kết quả.
Đến ngày 31/5/2019, Thanh tra TP Hà Nội công bố quyết định thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn. Việc thanh tra này đã phải gia hạn vào ngày 30/7/2019.
Vào tháng 3/2020, Thanh tra TP Hà Nội đã kết luận thanh tra về chế phẩm Redoxy-3C.
Liên quan đến việc thanh tra vụ mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, Thanh tra TP Hà Nội từng có sự thay thế kết luận thanh tra.
Cụ thể, tại kết luận thanh tra số 794, ngày 26/2/2020 do ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội ký ban hành đã nêu rõ, kết luận này thay thế kết luận số 555 ngày 12/2/2020 của Thanh tra TP. Hai kết luận được ban hành cách nhau 14 ngày và có một số nội dung khác biệt.
Trong đó, tại bản kết luận số 555 ngày 12/2/2020 đã nêu ra một số tồn tại trong việc mua chế phẩm Redoxy-3C và thiếu sót thuộc trách nhiệm của ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cùng một số cán bộ cấp Sở khác của TP.
Tuy nhiên, đến bản kết luận số 794 các nội dung về tồn tại, thiếu sót, trách nhiệm đã bị cắt bỏ.
Theo đó, kết luận số 794 ngày 26/2/2020 do ông Nguyễn An Huy ký chỉ nêu ra thực trạng xử lý ô nhiễm ở các hồ trên địa bàn, đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy-3C ở Việt Nam, quá trình thử nghiệm, mua chế phẩm về quản lý, sử dụng...
Đồng thời, tại kết luận số 794 trong phần kiến nghị nêu "Thanh tra Thành phố đề nghị UBND TP giao cho Thanh tra TP tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của luật Thanh tra.
Theo kết luận, từ tháng 6/2016, để cải tạo môi trường, chất lượng nước, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã mời một công ty ở Đức đến Hà Nội nghiên cứu, sản xuất chế phẩm xử lý làm sạch nước hồ tại Thủ đô.
Sau đó, chế phẩm Redoxy-3C được sản xuất và ông Chung giao Công ty Thoát nước Hà Nội, thử nghiệm để xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bàn thành phố.
Về việc mua, quản lý chế phẩm Redoxy-3C, theo kết luận thanh tra, sau khi có sự chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ngày 10/8/2016, Công ty Thoát nước ký hợp đồng với Công ty Arktic (Công ty Arktic là nhà phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy-3C của hãng Watch Water tại Việt Nam) mua 3,24 tấn chế phẩm Redoxy-3C (giá 326.000 đồng/kg vận chuyển theo đường hàng không).
Sau đó, Hà Nội còn mua chế phẩm này theo nhiều đợt, vận chuyển cả bằng đường hàng không và đường biển.
Theo tài liệu do Cty Thoát nước cung cấp, từ năm 2016 đến quý I/2019, tổng số lượng Redoxy-3C mà Cty Thoát nước đã mua, nhập kho là 403,040 tấn, với tổng giá trị hơn 137,6 tỷ đồng.
Công ty đã sử dụng 380,592 tấn, tồn kho 22,448 tấn. Khối lượng này được theo dõi, quản lý trên hồ sơ, sổ sách kế toán của Công ty Thoát nước.
Cũng theo Kết luận thanh tra, đơn vị cung cấp Redoxy-3C là Cty Watch Water GmbH có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Ngày 1/8/2016, Cty Watch Water GmbH ký văn bản thỏa thuận về việc phân phối độc quyền với Cty Arktic; cấp Giấy chứng nhận Nhà phân phối ủy quyền (ngày 15/9/2016); cấp Giấy chứng nhận Nhà phân phối độc quyền (ngày 23/9/2016), đồng ý cho Cty Arktic được quyền đại diện kinh doanh và cung cấp dịch vụ đối với các sản phẩm của Watch Water GmbH tại Việt Nam.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung đã bị tuyên phạt 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" liên quan vụ án Nhật Cường.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau đó cũng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.
Ông Nguyễn Đức Chung sinh năm 1967, quê Kinh Môn, Hải Dương. Ông Chung có trình Đại học Cảnh sát (chuyên ngành điều tra tội phạm); Đại học Thương mại (ngành Quản trị kinh doanh); Tiến sĩ Luật.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)