Đẩy nhanh cấm xe máy nhưng nhiều dự án giao thông chậm tiến độ
Trước kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội, UBND Hà Nội đã có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.
Theo đó, những năm tới, thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận.
Việc hạn chế hoạt động xe máy là một trong những nội dung của Nghị quyết 04 đã được HĐND TP thông qua năm 2017. Theo thành phố, sau khi Nghị quyết này được thông qua, các cơ quan chức năng đã xây dựng đề án về hoạt động của xe máy trên địa bàn thành phố, với định hướng nghiên cứu sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5.
Dự kiến sau năm 2030, thành phố dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, và bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Như vậy, việc dừng xe máy tại các quận được nghiên cứu điều chỉnh sớm hơn 5 năm so với Nghị quyết 04 (mốc thời gian cấm xe máy tại các quận được xác định vào năm 2030).
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, đây là vấn đề đã được bàn đi bàn lại nhiều năm nay. Để dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận, mấu chốt cơ bản là phải có hạ tầng, phải phát triển được giao thông công cộng để phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, ông Thuỷ khẳng định, hiện nay các phương tiện vận tải công cộng tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Phương tiện vận tải hành khách công cộng được coi là “chủ lực” - xe buýt thời gian qua vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí do ảnh hưởng của dịch COVID-19, suốt một thời gian dài xe buýt phải "đắp chiếu", khi hoạt động lại cũng chỉ được 50% công suất.
Đặc biệt, loại hình buýt nhanh – BRT, với một làn đường riêng, trị giá hơn 1.000 tỉ đồng cũng ì ạch sau một hai năm đưa vào vận hành thử nghiệm. Trong khi đó, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội triển khai nhiều năm qua đang trong tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, mịt mù ngày về đích. Hiện tại sau nhiều lần đốc thúc, mới chỉ có tuyến Cát Linh-Hà Đông được bàn giao và đưa vào hoạt động.
Với tình hình giao thông hiện tại, ông Thuỷ cho biết, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân ở mức rất thấp. Do đó, phương tiện đi chính vẫn chủ yếu phụ thuộc vào giao thông cá nhân, trong đó chủ yếu là xe máy.
Ông Thuỷ cho rằng chỉ khi nào phương tiện công cộng đạt được con số 40% nhu cầu đi lại thì mới có thể cấm được xe máy.
Siết quy hoạch để không luẩn quẩn trong giải quyết ùn tắc giao thông
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, phân tích, Hà Nội phải có phương án tổ chức giao thông hợp lý, tránh gây xáo trộn đời sống người dân. Chỉ khi nào xe buýt, đường sắt trên cao và phương tiện vận tải hành khách công cộng khác đã đủ thay thế xe cá nhân thì thực hiện cấm. Những công việc này phải được chuẩn bị trước một bước rồi mới tiến hành hạn chế xe máy.
Đồng thời, ông Thanh cũng lưu ý, Hà Nội cũng phải rà soát lại quy hoạch theo hướng tuyệt đối không cho xây thêm nhà cao tầng ở nội đô. Bởi những năm qua, quy hoạch nội đô bị phá vỡ, nhiều dự án cao ốc 20-30 tầng đua nhau mọc, gây sức ép lên hạ tầng giao thông và giờ Hà Nội đang phải giải quyết hậu quả này. Chính vì vậy, phải thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, nếu không Hà Nội sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn khi giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
Thông tin trước đó trên báo chí, chuyên gia giao thông Lê Đỗ Mười nhấn mạnh, việc bùng nổ phương tiện trong thời gian vừa qua rất lớn. Quỹ đất dành cho giao thông, nguồn lực dành cho giao thông cũng rất hạn chế. Rõ ràng, chủ trương hạn chế, hướng tới cấm xe máy khu vực nội đô là một bài toán khó của Hà Nội.
Do đó, chừng nào vấn đề quy hoạch chưa được những người có trách nhiệm của Thủ đô nhìn nhận một cách xác đáng, có trách nhiệm; tình trạng “thả phanh” cho chung cư, nhà cao tầng còn tiếp diễn thì chừng đó, việc cấm xe máy vẫn "chỉ là phương án mà thôi".
Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật cho rằng, hiện việc người dân phải đi bộ khá xa mới tiếp cận được xe buýt là nguyên nhân khiến nhiều người “ngại” sử dụng loại hình này. Ông Bình tính toán thời gian đi bộ từ nhà đến điểm xe buýt 5 - 7 phút, chờ xe buýt đến từ 5 - 10 phút, thời gian ngồi trên xe buýt khoảng 30 phút. Đến nơi phải đi bộ thêm 5 - 10 phút. Tổng thời gian không thể nhanh hơn ôtô hay xe máy nên người dân lựa chọn phương tiện cá nhân là điều dễ hiểu.
Theo Phạm Đông (Lao Động)