Xe máy vô tư lưu thông trên làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh. |
Dọc tuyến đường xe buýt nhanh lưu thông, lực lượng chức năng bố trí nhiều cán bộ chốt trực, tổ chức phân làn, hướng dẫn các phương tiện lưu thông đúng phần đường, không lấn làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và Công an địa bàn tuyến buýt nhanh đi qua được huy động, sẵn sàng xử lý các sự cố, xung đột giao thông trên tuyến buýt nhanh.
Trên làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo, phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Ở các nút giao, nhà chờ đều có lắp hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ hình ảnh ghi lại để “phạt nguội”. Khi xảy ra ùn tắc giao thông, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông.
Tại các nút giao cắt, ô tô, xe máy "chặn đầu" xe buýt nhanh. |
Giờ cao điểm, nhiều ô tô, xe máy “theo đuôi” xe buýt nhanh để lưu thông. Thậm chí, một số phương tiện chạy trước, “dẫn đường” cho xe buýt nhanh. Tại các điểm quay đầu xe, các ngã tư, xe buýt nhanh cũng phải “xếp hàng” vì các phương tiện dừng dày đặc phía trước, trên làn dành riêng cho buýt nhanh.
Ghi nhận của PV Dân trí sáng 4/1, dù không phải giờ cao điểm, nhiều ô tô, xe máy vẫn vô tư “nhảy” vào làn buýt nhanh. Dọc đường Trục Bắc (quận Hà Đông), đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) và đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), hàng loạt phương tiện, chủ yếu là xe máy, lưu thông trên phần đường dành riêng cho xe buýt nhanh.
9h30, tại các nút giao cắt như ngã tư Tố Hữu - Lương Thế Vinh, Tố Hữu - Khuất Duy Tiến, hàng dài ô tô nối đuôi nhau. Người điều khiển xe máy “leo” vỉa hè để đi cho nhanh. Một số ô tô, xe máy sau khi vượt qua ngã tư đã nhanh chóng “tạt” vào làn đường dành cho buýt nhanh để lưu thông. Có trường hợp, người điều khiển xe máy lách giữa dòng ô tô với chiếc xe buýt nhanh, vượt lên, tạt đầu xe buýt.
Vượt qua đèn đỏ, một số ô tô, xe máy nhanh chóng "nhập làn" xe buýt nhanh. |
Theo phương án phân luồng, tổ chức giao thông, xe buýt nhanh chạy trên làn đường riêng tại các đoạn từ Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường Trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Cát Linh. Các đoạn không bố trí làn đường dành riêng (BRT chạy chung với phương tiện khác) gồm đoạn Yên Nghĩa - ngã ba Ba La; đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ.
Dọc tuyến xe buýt nhanh, lực lương chức năng gắn nhiều biển cảnh báo về mức phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể, các phương tiện đi vào làn của BRT sẽ phạm lỗi “đi không đúng phần đường, làn đường quy định”. Người điều khiển ô tô chạy sai làn sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng; mức phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) là từ 300.000 đến 400.000 đồng.
Một pha lách giữa dòng ô tô và xe buýt nhanh, tạt đầu xe buýt xe chiếc xe này bắt đầu rời nhà chờ Khuất Duy Tiến. |
Trưa 4/1, PV đã trao đổi nhanh với lãnh đạo Đội CSGT số 7 - phụ trách tuyến đường Lê Trọng Tấn, đường Trục Bắc (Hà Đông), Tố Hữu, Lê Văn Lương (Thanh Xuân) và lãnh đạo Đội CSGT số 3 - phụ trách tuyến đường Láng Hạ, Giảng Võ (Đống Đa) về vấn đề xử lý các phương tiện lấn làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Theo đó, trong những ngày đầu xe buýt nhanh hoạt động, lực lượng CSGT bố trí cán bộ chiến sỹ tại các vị trí ngã ba, ngã tư, phối hợp với các lực lượng khác chủ yếu hướng dẫn, phân luồng phương tiện. Việc làm này nhằm tạo thói quen, tác động vào ý thức người tham gia giao thông. Đối với những trường hợp cố tình không chấp hành dù đã có CSGT hướng dẫn, phân luồng, lực lượng CSGT sẽ lập biên bản xử lý.
Theo các lãnh đạo này, trong những ngày vừa qua, lực lượng CSGT chưa lập biên bản xử lý trường hợp lấn làn đường dành cho xe buýt nhanh nào.
Theo Tiến Nguyên (Dân Trí)