Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã bấm nút khai trương thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng thành phố Hà Nội, sáng 28/11.
Theo chủ trương được chấp thuận, vé điện tử liên thông có thể sử dụng ở 13 tuyến buýt thường và tuyến buýt nhanh BRT, thí điểm trong 6-9 tháng. Dự kiến tháng 12, thành phố tiếp tục đưa 10 tuyến buýt vào hệ thống.
Sau khi hoàn thành thí điểm, Sở GTVT sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết đánh giá toàn diện các ưu nhược điểm, bất cập tồn tại để đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ đối với hệ thống thẻ vé điện tử liên thông làm cơ sở đề xuất tổ chức triển khai áp dụng đối với toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.
Hiện tại, mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố đang khai thác vận hành có 154 tuyến buýt, 01 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2A) trong đó có 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn thành phố có 2.034 xe buýt, trong đó 277 xe sử dụng năng lượng sạch.
Giai đoạn 2015-2019 mỗi năm ngân sách nhà nước trợ giá cho xe buýt khoảng 1.370 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2022 mức trợ giá tăng lên 2.230 tỷ đồng/năm, riêng năm 2022 là gần 3.000 tỷ đồng; năm 2023 dự kiến 2.750 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, hiện nay việc khai thác vẫn chủ yếu được thực hiện thông qua việc sử dụng vé giấy, thanh toán thủ công bằng tiền mặt (các tuyến ĐSĐT đã và đang triển khai mặc dù có hệ thống thẻ vé điện tử nhưng có các công nghệ thẻ vé khác nhau dẫn đến chưa đảm bảo tính liên thông và vẫn chỉ là vận hành độc lập). Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc tính toán, phân bổ sản lượng, doanh thu; chưa đa dạng được hình thức thanh toán; không đảm báo tính liên thông và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân.
Việc sử dụng vé điện tử giải quyết được nhiều bất cập, trong đó có tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ.
"Tính riêng 132 tuyến xe bus trợ giá với 2034 xe sẽ có lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ trên xe, giảm số tiền lớn cho ngân sách, theo tính toán của chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng”, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho biết.
HL (SHTT)