Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 14/9/2018, vị trí tâm siêu bão Mangkhut cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo diễn biến siêu bão Mangkhut tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km; đến 13 giờ ngày 15/9/2018, vị trí tâm siêu bão nằm trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Lu-Dông; đến 13 giờ ngày 16/9/2018, vị trí tâm bão nằm trên khu vực Bắc Biển Đông và cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; đến 13 giờ ngày 17/9/2018, vị trí tâm bão nằm ngay trên khu vực biên giới Việt -Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Siêu bão Mangkhut ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội: Từ chiều tối ngày 16/9 sẽ có mưa, mưa vừa sau tăng lên mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến cả đợt 200 - 400mm, có nơi trên 400mm. Gió trong đất liền sẽ mạnh dần lên trên cấp 10, vùng ven biển trên cấp 12.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của siêu bão Mangkhut, chiều ngày 14/9/2018, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu:
1. Các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn Thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến siêu bão Mangkhut, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị chủ động chỉ đạo ứng phó kịp thời mọi diễn biến của bão.
2. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ tình hình siêu bão Mangkhut, chủ động tổ chức sơ tán nhân dân.
3. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình cơ sở, chỉ đạo phòng, chống siêu bão Mangkhut theo quy định.
4. Sở Xây dựng chỉ đạo:
- Công ty Thoát nước Hà Nội đảm bảo thông thoáng, xử lý kịp thời tiêu thoát nước.
- Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gẫy mất an toàn; kịp thời giải tỏa cây đổ không để ùn tắc giao thông.
- Các Công ty Chiếu sáng đô thị Hà Nội đảm bảo chiếu sáng công cộng.
- Các Công ty kinh doanh nước sạch trên địa bàn Thành phố đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho nhân dân.
- Các Công ty môi trường triển khai phương án đảm bảo vệ sinh môi trường.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai phương án phòng, chống úng ngập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
6. Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, cầu trên các tuyến giao thông.
7. Công an thành phố Hà Nội tăng cường lực lượng ứng trực, triển khai các phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
8. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện thường trực ứng cứu kịp thời khi có tình huống xẩy ra.
9. Sở Công Thương kiểm tra công tác tạm trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai, hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định thị trường.
10. Sở Y tế thực hiện trực cấp cứu 24/24 giờ để cấp cứu kịp thời các tai nạn, sự cố trong thời gian bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai.
11. Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, triển khai phương án bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh, cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn Thành phố.
12. Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai.
Theo Phương Thảo (Thời Đại)