300 khách du lịch tự nguyện ở lại đảo Cô Tô, hơn 350 lồng bè đã được gia cố, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, đã có phương án di dời dân đến nơi cao ráo, an toàn…
Đây là những hướng triển khai mà Quảng Ninh sẽ thực hiện ngay sau khi Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 14-9 về ứng phó với siêu bão Mangkhut dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền ngày 17-9 tới.
Theo dự báo, Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của siêu bão Mangkhut. Vì vậy công tác tập trung chỉ đạo đang được đẩy nhanh.
Đây là cơn bão rất mạnh, có đường đi ổn định và tốc độ di chuyển nhanh. Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu 14 huyện, thị xã, thành phố khẩn trương có các biện pháp chủ động ứng phó với bão Mangkhut, sẵn sàng kêu gọi tàu bè, di dời dân ở khu vực ven biển và nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Bắt đầu từ ngày mai, thứ Bảy, các cơ quan liên quan phải trực thường xuyên. Tại một số địa bàn trọng điểm, bí thư, chủ tịch không thể vắng mặt.
“Quan điểm phát huy lực lượng tại chỗ như quân đội, công an, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ vẫn là quan trọng. Tỉnh quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiệt hại tối đa về tài sản”, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu nói.
Ông Hậu cũng yêu cầu các địa phương thực hiện cao điểm việc chuẩn bị các phương án sẵn sàng chống bão trong 2 ngày cuối tuần.
Trước mắt, lệnh cấm biển sẽ được thực hiện với các tuyến đảo, các hộ dân sinh sống ở lồng bè và di dân ở những khu vực bãi thải, ven sông, suối, những nơi có nguy cơ sạt lở cao dứt khoát thực hiện trước 17 giờ ngày 16-9.
Được biết, một số địa bàn trọng điểm có đê xung yếu như thị xã Quảng Yên, huyện Tiên Yên đã có các phương án đảm bảo an toàn cho mùa màng và di dân khi cần thiết. Hơn 300 du khách du lịch trong đó có hai khách nước ngoài tình nguyện ở lại đảo Cô Tô, chính quyền địa phương cũng đã đề nghị các chủ nhà nghỉ, khách sạn đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và có phương án đảm bảo tuyệt đối cho du khách lưu trú trên đảo.
Theo ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái, thành phố đã triển khai theo tinh thần đây là cơn bão siêu mạnh với những rủi ro lớn. Đến thời điểm này đã có hơn 1.000 tàu thuyền khai thác thủy sản được kêu gọi về bờ; 400 bè hoạt động trên sông biên giới căn cứ vào tình hình thực tế sẽ cho dừng hoạt động. Hơn 350 lồng bè đã được gia cố, đảm bảo an toàn.
Chính quyền cũng đã có phương án di dời người dân có thể bị ảnh hưởng nặng đến nơi cao ráo, nhà văn hóa, trường học, doanh trại quân đội hoặc các nhà kiên cố ở gần nhất.
Theo Cù Hiền (Pháp Luật TPHCM)