Thường Tín: có 18 trường hợp mắc Covid-19, dương tính SARS-CoV-2
Chiều 17/5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận, huyện, xã phường.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND huyện Thường Tín cho biết, tính đến 16h ngày 17/5, trên địa bàn có 18 ca F0, 618 trường hợp F1 và 945 trường hợp F2.
"Sáng nay, phát hiện thêm một ca dương tính là N.T.M (SN 2004) ở thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang và xác định nguồn lây của ca dương tính này cũng rất phức tạp, có nhiều yếu tố chưa rõ ràng. Đồng thời, người này cùng với gia đình bán quán bia nên nguy cơ lây nhiễm với rất nhiều và phức tạp", vị này nêu.
Lãnh đạo huyện thông tin, hiện trên địa bàn có 3 ổ dịch Covid-19, cụ thể, ổ dịch xã Tô Hiệu có 11 ca F0. Ổ dịch xã Dũng Tiến có 2 ca F0.
"Ổ dịch xã Hiền Giang cộng thêm cả trường hợp dương tính sáng nay thì có 5 ca F0 với 76 trường hợp F1, 142 trường hợp F2. Riêng trường hợp F1 của ca dương tính N.T.M xác định đến chiều nay là 13, đã chuyển đi cách ly tập trung", lãnh đạo huyện thông tin.
Liên quan đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, theo lãnh đạo huyện Thường Tín, địa phương xác định 28 trường hợp liên quan, trong đó 3 trường hợp phải lấy mẫu, đã cách ly và có kết quả âm tính.
Bên cạnh đó, 276 trường hợp liên quan Bệnh viện K cũng đã được lấy mẫu, có kết quả âm tính. Ngoài ra, các trường hợp đi đến ổ dịch Mão Điền (Bắc Ninh) là 18 trường hợp và đều âm tính. 37 trường hợp đi từ Đà Nẵng về cũng được lấy mẫu, có kết quả âm tính.
Lãnh đạo huyện cũng cho hay, đã lấy mẫu xét nghiệm mở rộng tại các ổ dịch, bước đầu cho kết quả âm tính.
Đối với ổ dịch xã Hiền Giang, theo lãnh đạo huyện, địa phương đã ban hành quyết định phong tỏa tạm thời công ty Sland và Đội 5 thôn Quang Hiền, đồng thời ban hành quyết định giãn cách xã hội toàn xã theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Ngày 17/5, UBND huyện cũng ban hành quyết định phong tỏa tạm thời phố Cầu Chiếc thuộc cụm 2 thôn Nhân Hiền xã Hiền Giang, liên quan đến ca dương tính mới phát hiện phát sinh sáng cùng ngày.
Hơn 6.300 người ở Hà Nội làm việc tại Bắc Ninh, Bắc Giang
Trước mối lo dịch bệnh xâm nhập từ các tỉnh lân cận, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, thực hiện Công điện của UBND Thành phố, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) và Chế xuất Hà Nội đã chủ động liên hệ với các tỉnh để cập nhật số lượng người làm tại các KCN của các tỉnh, nhưng lưu trú trên địa bàn Hà Nội.
"Cụ thể, có 151 chuyên gia, người lao động ở Hà Nội đi làm tại Bắc Giang; 6.153 chuyên gia, người lao động ở Hà Nội đi làm tại Bắc Ninh", ông Hạnh cho biết.
Theo ông Hạnh, tình hình dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh đang diễn biến hết sức phức tạp, một số KCN của 2 tỉnh liên tục ghi nhận số ca mắc cao, các tỉnh này lại giáp Hà Nội, có nhiều công nhân làm việc tại đây nhưng lại sinh sống ở Hà Nội. Đây là nguồn có nguy cơ cao với Thủ đô.
Ngành y tế nhận định các quận, huyện: Thường Tín, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Hà Đông,... là những đơn vị có nguy cơ cao.
Với thống kê trên 6.300 người ở Hà Nội đi làm tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Sở Y tế đề nghị các quận, huyện, thị xã yêu cầu những người này tự theo dõi giám sát sức khỏe, hạn chế tiếp xúc, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và phải đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.
Đại diện BQL Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết đã đánh giá nguy cơ dịch từ 2 tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang và cho rằng, nguồn lây từ Bắc Ninh thấp do các doanh nghiệp có các ca F0 như Canon, Sam Sung đều khoanh vùng, truy vết tốt.
Chỉ có nguy cơ lây nhiễm bệnh từ tỉnh Bắc Giang; hiện Hà Nội có trên 150 người sinh sống tại Hà Nội nhưng làm việc tại các KCN tỉnh Bắc Giang, tuy nhiên các trường hợp này đều đã được khoanh vùng, theo dõi sức khỏe.
Ban quản lý cũng đã xây dựng phần mềm trực tuyến về Covid để các doanh nghiệp khai báo, yêu cầu các doanh nghiệp trước 20/5 khai báo danh sách người lao động trên phần mềm để giúp Ban quản lý thống kê được danh sách người lao động, nơi ở, điện thoại liên hệ.
Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng tại cuộc họp nêu rõ, từ diễn biến dịch bệnh, trong thời gian sắp tới, nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Thủ đô vẫn ở mức cao và yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch…
"Thực tế kiểm tra, công tác này có nơi, có chỗ như ở các chung cư chưa hiệu quả. Phải kiểm tra ngay và thường xuyên các tòa nhà để xem các Ban quản lý có triển khai nội dung này hay không, có nắm bắt được khai báo y tế tại chung cư không?", ông Dũng chỉ đạo.
Phó Chủ tịch Hà Nội đặc biệt nhắc các quận, huyện, thị xã, đến các xã, phường, thị trần phải rất lưu ý công tác phòng chống dịch tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận trong đó, quan trọng nhất là 2 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang…
Nêu việc Thường trực Thành ủy chiều 17/5 đã chỉ đạo cần chuẩn bị sẵn sàng 30.000 chỗ cho trường hợp cách ly bắt buộc trên địa bàn toàn TP, Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu, các quận, huyện, thị xã cần nhanh chóng chuẩn bị sẵn 1.000 chỗ cho các trường hợp cách ly bắt buộc là các F1; sẵn sàng kích hoạt ngay lúc cần thiết.
Theo Hoàng Đan (Doanh nghiệp và Tiếp thị)