Sáng nay (10/1), Hà Nội tiếp tục chìm trong màn sương mù dày đặc. Chất lượng không khí tại các điểm đo đều ở mức rất nguy hại. Tình trạng này đã kéo dài nhiều ngày qua.
Khoảng 8h, trên ứng dụng PAM Air cho thấy chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội ở ngưỡng rất xấu. Nhiều khu vực có mức cảnh báo tím (AQI 201-300), đây là mức chất lượng không khí ở mức rất có hại cho sức khỏe.
Đặc biệt, nhiều điểm đo có cho chỉ số AQI ở thang màu nâu trên 400 như: ngã tư Xuân Thủy - Phạm Văn Đồng (AQI 434), Khu vực Trần Huy Liệu - Giảng Võ (AQI 435), khu đô thị Time City (AQI 491)… Đây là mức chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại, ngay cả người khỏe mạnh cũng nên ở trong nhà, đóng các cửa ra vào và cửa sổ, nếu buộc phải ra ngoài cần đeo khẩu trang đạt chuẩn.
Theo đánh giá của trang IQ Air, với AQI trung bình là 203 đơn vị, Hà Nội xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới ngày 10/1.
Lý giải nguyên nhân Hà Nội ô nhiễm trầm trọng những ngày qua, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến Hà Nội ô nhiễm là do chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết.
Theo ông Tùng, kiểu thời tiết lặng gió, ít mưa, nhiệt độ thấp nhưng độ ẩm cao khiến bụi bẩn trong không khí khó khuếch tán. Đồng thời, giai đoạn này cận Tết Nguyên đán, lưu lượng người tham gia giao thông tăng vọt, cùng với khí thải từ hoạt động xây dựng, đốt rác… khiến tình trạng ô nhiễm thêm tồi tệ.
Vào các thời điểm ô nhiễm không khí chạm ngưỡng nguy hại, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân không ra ngoài để tập thể dục, đặc biệt người già và trẻ em.
Người dân nên mang khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn khi đi ra ngoài và lưu thông trên đường bằng các phương tiện công cộng hoặc phương tiện có che chắn.
Tình trạng ô nhiễm khả năng kéo dài trong vài ngày tới trước khi miền Bắc đón một đợt không khí lạnh vào khoảng ngày 15-16/1. Không khí lạnh về sẽ khiến miền Bắc chuyển mưa rét nên tình trạng ô nhiễm được cải thiện đáng kể.
Theo Hà Giang (Nguoiduatin.vn)