Sống trong cảnh ngập lụt
Theo thống kê mới nhất của UBND huyện Chương Mỹ thì số hộ bị nước ngập vào nhà từ 0,5 - 1m vẫn còn tới 2.349 hộ. Trong đó, có hàng ngàn người dân tại một số xã vẫn còn đang phải sơ tán trong đợt mưa lớn đổ xuống địa bàn Thủ đô vừa qua.
Xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lớn này.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, toàn xã có 831 hộ bị ngập với hơn 4.400 nhân khẩu. Trong đó, phải sơ tán 557 hộ với khoảng hơn 2.800 nhân khẩu. Trong những ngày vừa qua, UBND xã Nam Phương Tiến đã hỗ trợ 4 lần vào các ngày 23/7, 24/7 và 25/7 với tổng số 485 thùng mì tôm và 400kg gạo cho người dân ở vùng bị ngập lụt. Ông Nguyễn Văn Lập (ở thôn Lý Nhân, xã Nam Phương Tiến) cho biết, nước ngập từ sáng sớm 21/7. Từ đó tới nay, gia đình ông được thôn hỗ trợ 3 thùng mì tôm, 3 thùng nước sạch loại 20l, không có điện.
Ghi nhận tại thôn Nhân Lý cho thấy, đây là một trong những nơi ngập nặng nhất trong xã. Đến chiều 27/7, đường vào thôn vẫn ngập mùi tanh bởi rác nổi trên mặt nước. Nhiều ngõ xóm chìm sâu trong nước, chỗ nông nhất ngập khoảng 60cm, cá biệt có chỗ ngập hơn 2m. Xã Nam Phương Tiến có 9 thôn, trong đó có 4 thôn ngập nặng nhất trong đợt lũ vừa qua, ngoài thôn Nhân Lý còn có thôn Hạnh Bồ, Nam Hài và Hạnh Côn.
Người dân Lý Nhân cho biết, số lương thực cứu hộ chủ yếu do các nhà hảo tâm, những người con xa quê hương giúp đỡ nên người dân ở đây nhiều ngày liền mới có mì tôm để ăn, nước lọc để uống. Còn nhớ mùa mưa năm ngoái, Lý Nhân cũng từng bị ngập sâu trong nước nhiều ngày liền và cũng phải sống trong cảnh phải ăn mì tôm nhiều ngày liền.
Tại thôn Hạnh Bồ, tới sáng 27/7, cả thôn vẫn còn khoảng 40 hộ bị ngập sâu. Những hộ này vẫn chưa có điện, trong khi những nơi khác đã được cấp điện trở lại từ ngày 24/7.
Tại thôn Nam Hải, nhiều ngày ngập trong nước, chất thải ô uế từ bãi rác, xác chết động vật... nổi trên mặt nước ảnh hưởng tới hàng trăm người dân ở đây. Nặng nề nhất là ở xóm Bèo (thôn Nam Hài), khắp nơi nồng nặc mùi tanh, hôi thối do nguồn thải từ bãi rác của xã bị nước đẩy vào khu dân cư. Được biết, mỗi tháng người dân phải đóng 3.000 đồng/khẩu phí vệ sinh môi trường. Đơn vị ký hợp đồng thu gom, xử lý rác thải tại địa bàn này là Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ). Theo phản ánh của người dân, trước khi xảy ra ngập lụt, đơn vị này đã chậm vận chuyển rác thải, do đó gây nên tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng.
Trước tình trạng rác thải ngập ngụa mọi ngõ xóm, một số người dân đã tìm đến trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến để “cầu cứu” chính quyền giúp đỡ vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, thời điểm đó, đại diện xã cho biết không thể làm gì, phải chờ 1 - 2 ngày nữa, khi mực nước ngập ở đường làng rút bớt thì mới có thể tiến hành thu gom rác.
Nước các hồ thủy lợi vẫn ở mức cao
Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Đến ngày 27/7, vẫn còn hàng chục ngàn héc-ta cây trồng bị ngập úng. Các doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội vẫn đang phải vận hành hết công suất 127 trạm bơm với 304 máy bơm các loại, tổng công suất 845.250m3/giờ, tích cực tiêu thoát nước chống úng ngập cho diện tích cây trồng, thủy sản còn bị ngập nước.
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTTTKCN TP Hà Nội cho biết, sáng 27/7, mực nước của nhiều hồ chứa thủy lợi đang ở mức cao. Đặc biệt, có 5 hồ đang có mực nước vượt ngưỡng thiết kế. 5 hồ chứa có mực nước hiện vượt ngưỡng thiết kế và mức vượt cụ thể gồm: Kèo Cà (0,04m), Quan Sơn (0,12m), Văn Sơn (0,04m), Miễu (0,2m) và Đồng Sương (0,15m). Đây đều là những hồ chứa nằm trong danh mục 13 hồ chứa lớn nhất của Hà Nội. Hiện, các hồ chứa đang được xả bằng tràn tự do.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về khả năng mưa còn tiếp diễn trong vài ngày tới. Ban Chỉ huy PCTTTKCN TP Hà Nội đề nghị các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ, sẵn sàng phương án ứng phó khi xảy ra sự cố.
Để hỗ trợ người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, UBND huyện Chương Mỹ đã trích ngân sách hỗ trợ các xã vùng lũ: 3.540 thùng mỳ tôm, 1.300 bình nước, 1.231 thùng nước Lavi, 370 thùng nước Aqua, 2.550 đôi nến, 110 đèn pin, 2,9 tấn gạo, 1.850 gói lương khô, 100 thùng sữa tươi; Đồng thời phối hợp tiếp nhận và trao 151 triệu đồng ủng hộ các xã vùng lũ khắc phục hậu quả.
Theo Hà Phương (Theo Gia đình & Xã hội)