Mật độ dày đặc, hàng nghìn cây hoa sữa trên các tuyến phố Hà Nội đang vào mùa trổ hoa, tỏa hương nồng nặc khiến cuộc sống của những hộ dân sinh sống dưới tán hoa “của thơ và nhạc” này xáo trộn.
Hoa sữa được trồng dày đặc đang kỳ nở rộ, trở thành ác mộng của nhiều người dân Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Chắt |
Đường Lê Đức Thọ dài khoảng 3,5km mà có tới khoảng 200 cây hoa sữa, tất cả đều khá cao, tán xòe rộng. Còn đường Lê Quang Đạo tuy ngắn mà có tới gần 400 cây hoa sữa chen chúc. Tất cả đều đang độ trổ hoa "không phanh", gây mùi nồng nặc!
Đường Lê Đức Thọ và Lê Quang Đạo là những "điểm nóng" hoa sữa ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Chắt |
Mở quán cà phê, nước giải khát trên đường Nguyễn Chí Thanh hơn 10 năm nay, anh Hà chưa bao giờ lâm vào tình trạng ế ẩm như những tuần qua.
Anh than vãn: "Đã hơn một tháng nay kể từ khi hoa sữa vào mùa lượng khách của quán mất đến 40-50%. Có hôm từ sáng tới chiều chỉ có một vài người khách, không đủ tiền để trả chi phí mặt bằng. Nhiều hôm buổi tối mà phải đóng cửa sớm vì ế khách".
Cây hoa sữa mọc cao đâm thẳng vào nhà của nhiều hộ dân. Vào mùa trổ hoa, cây hoa sữa trở thành nỗi ám ảnh của người dân! Ảnh: Nguyễn Chắt |
Ông TrầnVăn Bình làm nghề lái xe ôm thường đón khách trên đường Lê Thanh Nghị cho biết: “Nhiều người thích hoa sữa, bản thân tôi cũng rất thích nhưng nếu trồng xen kẽ một vài cây thì được, chứ cả con đường chỉ độc mỗi loại này thì chẳng ai chịu nổi đâu".
Nhiều nơi phải chặt bỏ bớt cây hoa sữa
Đầu tháng 11, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã chặt bỏ 3.000 cây hoa sữa (trong tổng số 4.000 cây) để giảm mùi nồng nặc khiến người dân phản ứng.
Ông Đỗ Đình Phương - Giám đốc Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cho biết: "Bình thường hoa sữa phát triển rất tốt, tạo độ che phủ, duy chỉ có mùa hoa nở, lượng hoa nhiều, tỏa hương nồng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân".
Tương tự, trước đó, tại TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) cũng từng xảy ra việc người dân có đơn gửi chính quyền địa phương vì “mùi hoa sữa đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe”. Quá bức xúc với mùi hoa này, mỗi kỳ họp HĐND các cấp, cử tri đều lên tiếng phản ánh.
UBND tỉnh Trà Vinh đã có chủ trương cho đốn bỏ các cây hoa sữa trồng dọc nhiều tuyến đường và thay thế bằng loại cây khác.
“Có lẽ hoa sữa không chết thì tôi chết” “Nếu trước hè phố nhà tôi có cây hoa sữa thì tôi sẽ thế nào? Đây là tình huống rùng rợn nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra. Có lẽ nó không chết thì tôi chết. Không thể có cây gì gây ô nhiễm môi trường hơn cây này. Nhưng thật trớ trêu, đó lại là sản phẩm của đầu óc lãng (quá xa) mạn. Ban đầu nhạc sĩ Hồng Đăng chỉ mới nghe nói đến cây hoa này, mà kỳ thực anh chưa hề biết nó thế nào - theo một lần anh trả lời phỏng vấn - và anh đưa nó vào lời bài hát cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”. Thế rồi cây hoa sữa nhanh chóng trở thành một khuôn sáo, một ước lệ về vẻ đẹp lãng mạn mùa thu Hà Nội. Cả nước ngưỡng mộ, cả nước trồng rồi cả nước chặt vội, vì nó gây đau khổ cho bạn bè thân hữu, bà con khối phố. Từ Yên Bái, Thái Bình, Vĩnh Phúc vào đến Quảng Nam và hơn nữa. Mất tiền trồng, mất tiền chặt. Mất chi phí thành tiền và mất bao thiện cảm không tính nổi thành tiền. Hiện tượng hoa sữa là tiêu biểu của tinh thần bầy đàn bất chấp khoa học, phi thực chứng, mơ mơ hồ hồ. Hạnh phúc cho cô gái nào gặp tôi dưới cây hoa sữa, chắc tôi sẽ nhớ đến chết về âm phủ chưa quên một kỷ niệm ắt là đầy hoảng loạn”. Nhà báo Đoàn Công Lê Huy |
Hoa sữa nồng nặc gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn Lương y Vũ Quốc Trung (thành viên hội Đông y Việt Nam) cho biết, cây hoa sữa có hơn 40 loài, đặc điểm chung là cây khá cao, vỏ dày, chảy nhựa như sữa nên gọi là hoa sữa. Những con phố càng nhỏ, không gian chật chội mà lại trồng nhiều cây này thì cảm giác rất bí bách, khó chịu vì hương hoa sữa rất nồng nặc, càng hít nhiều sẽ càng thấy mệt. Loài hoa này có chứa một số độc tố, tuy nhiên, các chất này chưa đến ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người. Tác hại lớn nhất của nó chính là mùi hương nồng nặc. Hương hoa sữa có nồng độ mạnh dễ gây cho nhiều người cảm giác nhức đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nhất là người già, trẻ nhỏ và những ai dị ứng với mùi hoa này. Lương y Trung cũng cho biết, hoa và quả của loài cây này thường có tính tự phát tán. Chúng lại có lớp lông mỏng bao phủ nên khi khô đi, thường lẫn vào không khí, trở thành chất bụi gây hại đến đường hô hấp hoặc có thể làm nổi mẩn, gây dị ứng ngứa ngoài da. (Nguồn: Trí thức trẻ) |