Ngày 30/7, trao đổi với Zing.vn, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho hay 10 ngày qua, một số khu vực ngoại thành của Hà Nội vẫn bị ngập nặng. Cơ quan chức năng đã dùng máy bơm tiêu nước nhưng nước vẫn rút chậm.
Theo ông, lượng nước lớn chảy từ tỉnh Hòa Bình và huyện Ba Vì (Hà Nội) về, tràn qua một số đê bao phân lũ, khiến khu vực các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thật ngập lụt sâu.
Đê bao xảy ra nhiều sự cố
Nước dân cao cũng khiến ngoại thành Hà Nội xảy ra nhiều sự cố đê điều như: Sạt lở chân đê bối hữu Bùi (ngày 21/7) 3 sự cố rò rỉ qua mang cống đê hữu Bùi; 1 sự cố sụt mang cống thuộc trạm bơm Trại Nứa, đê bao hữu sông Tích; tràn 3 đoạn đê bối hữu sông Tích và 1 đoạn đê bao tả Tích; 2 sự cố rò rỉ mang cống thuộc trạm bơm Đốc Tín, đê hữu Đáy và trạm bơm Đức Môn (vào ngày 22/7).
Ngày 23/7 có 2 sự cố rò rỉ qua mang cống đê bối xã Đồng Tiến. Đến ngày 26/7, sự cố bục thân cống đê bao hữu sông Tích tiếp tục xảy ra.
Vị Giám đốc Sở NT&PTNT Hà Nội cho biết lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán người dân trong vùng phân lũ, sửa chữa sự cố ở các đê bao, đắp bao cát làm giảm tràn nước qua đê bao…
"Những ngày qua tại Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc vẫn có mưa to cục bộ. Trong khi đó, thủy điện Hòa Bình vẫn đang mở thêm 1 cửa xả đáy. Vì vậy, mực nước lũ tại Hà Nội đang rút chậm, một số khu vực ngập nước đang chững lại", ông Chu Phú Mỹ nói.
Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng cho hay còn khoảng hơn 2.890 ha thuộc 8 huyện ngoại thành Hà Nội bị ngập. Nhiều ngôi làng, cánh đồng vẫn mênh mang, trắng xóa nước lũ. Trong đó, các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất bị ngập nặng nhất.
Huyện Chương Mỹ còn hơn 560 hộ dân bị cắt điện vì đường dây bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nước ngập. Hàng nghìn người dân các xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động vẫn chưa thể trở về nhà vì nước chưa rút.
Huyện Quốc Oai, nước sông Tích vẫn gây ngập trên diện rộng tại các xã Phú Cát, Cấn Hữu, Hòa Thạch… Nhiều ao đầm thủy sản bị mất trắng. Các trang trại chăn nuôi, xưởng sản xuất nằm ngoài đê bao vẫn ngập lưng nước hoặc chìm nghỉm. Chi cục Thủy lợi Hà Nội đã chỉ đạo 5 doanh nghiệp vận hành 203 trạm bơm với 619 tổ máy bơm các loại để tiêu thoát úng.
Ngập lụt còn kéo dài
Chiều 30/7, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn về việc ứng phó với mưa lũ bất thường. Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện mực nước trên sông Bùi đang lên nhanh. Lúc 11h cùng ngày, mực nước trên sông Bùi tại Lâm Sơn 21,37 m, trên báo động 1 là 0,37 m.
Đêm 30 và sáng 31/7, khu vực Hòa Bình sẽ có mưa to trở lại (lượng mưa phổ biến 50-100 mm). Trong 12 giờ tới mực nước trên sông Bùi tại Lâm sơn ở mức 21,5 ma (trên báo động 1 là 0,5 m).
Cơ quan khí tượng cảnh báo mực nước trên sông Bùi tiếp tục lên mức báo động 3 khoảng 1 m vào sáng 31/7. Ngập úng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thuộc các huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình), đặc biệt là tại xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ). Tình hình ngập lụt còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành, các bộ, ngành liên quan khẩn trương thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh.
"Đồng thời chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ úng, lụt, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn…", công điện nêu rõ.
Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)