Sáng ngày 12/2, UBND quận Ba Đình tổ chức buổi họp thông tin đến báo chí về việc xử lý các sai phạm của công trình 8B Lê Trực, Chủ tịch quận Ba Đình Tạ Nam Chiến thông tin tới báo chí việc xử lý công trình 8B Lê Trực giai đoạn 2.
Đại diện UBND quận Ba Đình cho hay trước đây TP có phê duyệt quy hoạch chi tiết xác định tuyến đường này được xây dựng tòa nhà 20 tầng. Nhưng sau đó Thủ tướng có quy định rà soát, xem xét lại, nếu không phù hợp về mặt chiều cao thì phải điều chỉnh. Năm 2014, trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng, TP Hà Nội đã chấp thuận cho công trình này được xây dựng có chiều cao 52 m, sở Xây dựng đã cấp phép với chiều cao là 52 m.
Ông Chiến cho biết hiện nay đã thực hiện xong giai đoạn 1, tháo dỡ tầng 19 theo giấy phép xây dựng và căn cứ pháp lý thực hiện tiếp giai đoạn 2 chính là giấy phép xây dựng được phê duyệt.
"Căn cứ vào giấy phép xây dựng, tầng 17, 18 vượt chiều cao, quận tiếp tục xử lý giai đoạn 2. Hiện nay đang xây dựng phương án chuẩn bị tháo dỡ tầng 17, 18" - ông Chiến nói.
Thông tin từ phía UBND quận Ba Đình là vậy, song tại hội nghị, nhiều phóng viên các cơ quan báo chí đã có những câu hỏi đề cập đến tiến độ phá dỡ phần vi phạm giai đoạn 2, đặc biệt là những căn cứ pháp lý để UBND phường Điện Biên tiếp tục thực hiện cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm giai đoạn 2 theo Thông báo số 50/TB - UBND ngày 20/12/2019 của Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên.
Về phía chủ đầu tư, Công ty cổ phần May Lê Trực cũng có văn bản số 981/CV-LT ngày 3/2/2020 kiến nghị các cấp chính quyền quận Ba Đình và đơn vị chức năng là Công an thành phố Hà Nội và Công an quận Ba Đình đề nghị không tổ chức bảo vệ cưỡng chế phá dỡ tại công trình 8B Lê Trực vì cho rằng việc chính quyền quận Ba Đình thực hiện cưỡng chế, phá dỡ giai đoạn 2 (tầng 17, 18) là hoàn toàn trái quy định của pháp luật.
Hàng loạt những ý kiến của phóng viên liên quan đến những kiến nghị của chủ đầu tư đề nghị lãnh đạo UBND quận Ba Đình trả lời trên các cơ sở pháp lý cụ thể.
Bởi hiện nay, Công ty cổ phần May Lê Trực vẫn khẳng định dự án 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng theo quy định của Nhà nước tại Điều 19, Khoản C, Nghị định số 12/2009/NĐ - CP ngày 12/2/2019 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nhưng Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đã đình chỉ thi công, yêu cầu xin cấp Giấy phép xây dựng.
Điểm đáng chú ý nữa là theo Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thì công trình 8B Lê Trực được phép xây dựng 20 tầng (bao gồm 17 tầng chính, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái và tum thang), chiều cao tối đa là 70m.
Tuy nhiên, theo Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 của Sở Xây dựng cấp cho công trình này chỉ còn 18 tầng nổi, chiều cao công trình là 52m. Vậy, có hay không việc Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp sai quy định của pháp luật vì không đúng với Tiêu chuẩn Việt Nam: 323/2004, cấp sai với Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được thành phố phê duyệt (bị thiếu 2 tầng và thiếu chiều cao công trình là 16,1 m)?
Trước thông tin chủ tịch UBND quận Ba Đình nêu sẽ phá dỡ tiếp với tầng 17, 18, ông Lê Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần may Lê Trực - chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực khẳng định cả 2 tầng 17 và 18 đều có trong giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng Hà Nội cấp. Vì vậy, các căn hộ tại hai tầng này là tài sản hợp pháp đã bán cho người dân nên thuộc quyền sở hữu của người dân.
Ông Tạ Nam Chiến cũng thừa nhận trong giấy phép xây dựng cấp cho công trình 8B Lê Trực có ghi cả tầng 17, 18 và nhiều chỉ tiêu khác như diện tích sàn, khoảng lùi, chiều cao.
Khi biết thông tin TP Hà Nội chuẩn bị tháo dỡ công trình 8B Lê Trực giai đoạn 2, rất nhiều hộ dân kéo đến trụ sở quận Ba Đình bày tỏ ý kiến, những người mua nhà tại dự án này cho hay, Chủ đầu tư 8B Lê Trực đã bán phần lớn căn hộ thuộc toà nhà cho cư dân, nên chủ sở hữu hợp pháp toà nhà phải là người dân đã mua căn hộ ở đây. Trong suốt 5 năm qua, việc xử lý toà nhà, những người chủ thực sự của các căn hộ đã bị bỏ quên, không được tham gia ý kiến vào quá trình xử lý sai phạm của các bên liên quan.
"Chúng tôi bỏ tiền tỉ ra mua nhà tại đây. Trong giấy phép xây dựng được phê duyệt chúng tôi còn giữ ghi rõ có tầng 17 và tầng 18 nên mới quyết định mua căn hộ 1802. Không lẽ chúng tôi mua nhà theo giấy phép cấp mà giờ mất nhà" - bà Dương Thị Thu Nga, chủ căn hộ 1802 lo lắng.
Cùng mua nhà tại tầng 18, bà Trần Thị Huệ cũng bỏ ra nhiều tỉ đồng mua căn hộ 1807, khi nghe thông tin chuẩn bị phá dỡ tầng 17, 18, bà Huệ nói nhiều người dân hốt hoảng.Liên quan đến vấn đề này, tại buổi thông tin với báo chí, ông Chiến nói: "Ý kiến của người dân là nhà nước có trách nhiệm bảo hộ tài sản tại đây, theo quy định của pháp luật, có thể nói việc người dân mua nhà là hợp đồng giao dịch dân sự giữa chủ đầu tư và người mua nhà, tài sản hình thành trong tương lai. Công trình này chưa được nghiệm thu, chưa đưa vào sử dụng nên chưa được cấp giấy chứng nhận, đây là quan hệ dân sự, vì vậy chủ đầu tư mới là người phải trả lời cho người dân bao giờ bàn giao nhà"
Theo Thanh An (Báo Dân Sinh)