Ngày 26/5, Sở Y tế Hà Nội thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong tuần qua (từ ngày 16/5 đến ngày 23/5).
Cụ thể, trong tuần ghi nhận 155 ca mắc COVID-19. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 192 trường hợp, không có trường hợp tử vong, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024 (641 ca mắc).
Theo CDC Hà Nội, số ca mắc có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây, sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội luôn có nguy cơ về các loại dịch bệnh, trong đó có COVID-19. Hiện tại dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, cũng không được chủ quan về bệnh này, bởi sự lây lan của COVID-19 trước đây rất nhanh, nếu không có biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời thì nguy cơ cũng rất lớn.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 có thể lây lan quay trở lại, hiện nay, ngành Y tế Hà Nội đang triển khai một số biện pháp như: Tăng cường giám sát tại cộng đồng, giám sát tại bệnh viện và giám sát tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Tất cả các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hoặc mắc bệnh tại cửa khẩu sẽ được giám sát kịp thời.
Tại cộng đồng, khi người dân có nguy cơ lây nhiễm hoặc nghi ngờ mắc cũng được giám sát và báo cáo kịp thời. Đồng thời, ngành Y tế cũng tăng cường công tác đào tạo tập huấn cho các lực lượng y tế tại các tuyến để sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống xảy ra.
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng chống COVID-19, các yếu tố nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài ra, đối với các đơn vị điều trị cũng đã có sự chỉ đạo từ bộ phận tiếp đón, thực hiện cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Song song với đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống COVID-19 cũng như các dịch bệnh mùa Hè. Đồng thời, tuyên truyền người dân chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng bổ sung do ngành Y tế triển khai.
Trong tuần, Hà Nội cũng ghi nhận 179 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện. Bệnh sởi đang có xu hướng giảm, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Hà Nội ghi nhận 184 trường hợp mắc tay chân miệng tại 26 quận, huyện, thị xã; không có trường hợp tử vong, giảm 70 trường hợp so với tuần trước.
Theo CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc tay chân miệng giảm, chủ yếu là ca bệnh tản phát, ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi (95%), ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng.
Biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn
Không chỉ Hà Nội, thời gian gần đây, một số địa phương cũng báo cáo số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng. Đơn cử tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố cho biết hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có dấu hiệu gia tăng số ca COVID-19 trên địa bàn. Trung bình mỗi tuần có 11 ca mắc COVID-19 được báo cáo.
TP Hồ Chí Minh cũng lần đầu tiên phát hiện biến chủng NB.1.8.1 - biến chủng đang lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Tính đến ngày 22/5/2025, biến chủng NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia trên thế giới, bao gồm: Australia, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ireland, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Anh và Mỹ.
Trước tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19 trên Thế giới cũng như tại TP.HCM, nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải mã trình tự gene của một số bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng COVID-19 nhập viện trong tuần thứ 3 của tháng 5 năm 2025 và ghi nhận biến chủng NB.1.8.1 được phát hiện ở 83% mẫu giải trình tự.
Triệu chứng phổ biến của biến chủng này là sốt nhẹ, đau họng, ho, mệt mỏi; nghẹt mũi, đau cơ. Ngoài ra, người nhiễm biến chủng này sẽ có triệu chứng bổ sung như sốt kéo dài, chán ăn; rối loạn tiêu hóa, đau đầu.
Tính chất triệu chứng kéo dài, nhẹ, dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường, khiến người bệnh dễ chủ quan, góp phần lây lan âm thầm trong cộng đồng.
Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa xếp NB.1.8.1 vào các nhóm biến chủng nguy cơ. Đây là là một biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2, thuộc dòng Omicron JN.1. Các dữ liệu khoa học cho đến nay cũng chưa ghi nhận sự khác biệt về mức độ lây lan hoặc gây bệnh nặng hơn so với các biến chủng lưu hành trước đây.
Ngày 21/5, Sở Y tế cũng đã ban hành công văn số 5423/SYT-NVY về việc chủ động triển khai phòng, chống COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình hiện nay, theo đó Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế từ hệ dự phòng đến điều trị luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc COVID-19, phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược bảo vệ người có nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng nhưng cũng không chủ quan trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng.
Theo Hiệp Nguyễn (Suckhoecong.vn)