Video: Hà Nội chi hơn 64 tỷ đồng mở rộng đường Láng
Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất danh mục xén vỉa hè, dải phân cách, cải tạo đảo giao thông, di chuyển cây xanh trên địa bàn 12 quận.
Theo đó, vỉa hè và dải phân cách trên 15 tuyến đường sẽ được xén bớt kích thước, xén vỉa hè 3 tuyến đường, giảm chiều rộng trung bình mỗi bên từ 7 m xuống còn 3 m; Xén dải phân cách 12 tuyến đường, chiều rộng xén thu hẹp dải phân cách trung bình từ 11,5 m xuống còn 4 m.
Một số tuyến đường được xén dải phân cách bao gồm: Đường Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Phạm Văn Đồng, Nghĩa Tân, Trần Cung, Phạm Tuấn Tài, Liễu Giai, Văn Cao...
Các tuyến được xén vỉa hè bao gồm đường Tố Hữu, một số hầm chui và đảo giao thông.
Theo Sở GTVT Hà Nội, sau khi xén mở rộng, các tuyến đường này sẽ đồng bộ với trục đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng đã được xén mở rộng trước đó.
Để thực hiện việc xén mở rộng đường, Sở GTVT Hà Nội đã rà soát, dự kiến cần di chuyển 1.900 cây xanh; 820 cột đèn chiếu sáng và các công trình ngầm và nổi nằm trong phạm vi thi công. Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất xén nhiều khu vực nút giao để tổ chức giao thông phù hợp với thực trạng giao thông, giảm ùn tắc giao thông.
Đầu năm 2019, Sở GTVT Hà Nội cũng lên kế hoạch xén vỉa hè nhằm mở rộng nhiều tuyến đường gồm: Phạm Hùng, đường Láng, đường Khuất Duy Tiến, đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển. Để thi công cắt xén vỉa hè, dải phân cách, cơ quan chức năng phải di chuyển 371 cây xanh, chặt hạ 105 cây.
Trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết trong quá trình triển khai thực hiện các dự án làm đường bao giờ cũng có dải phân cách để làm quỹ đất dự trữ.
Tùy theo từng thời điểm, trước đây lượng phương tiện chưa nhiều thì để quỹ đất nhiều, thời điểm lượng phương tiện tăng lên thì xem xét xén dải phân cách để mở rộng đường, phục vụ phương tiện đi lại.
Về giải pháp dịch chuyển cây xanh, Sở Xây dựng cho biết giải pháp đào đánh các loại cây lâu năm có đường kính gốc 0,1- 0,5 m chủ yếu áp dụng cho các loại cây như bằng lăng, chẹo, hoa sữa, lát hoa, muồng, phượng, sấu, thàn mát, và nước, xà cừ theo quy trình.
Đối với loại cây chặt bỏ như cây đã bị sâu bệnh hoặc hình dáng, sự phát triển không phù hợp để trồng lại, dựa vào đánh giá về giá trị cây nên tận dụng thu gỗ hay nên chặt bỏ để chọn phương pháp cưa cành, cưa thân.
Theo Sơn Hà (Tri Thức Trực Tuyến)