Video: Người dân dừng chặn xe rác vào bãi Nam Sơn
Chiều 16/1, nhiều người dân thôn Xuân Thịnh (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tập trung tại nhà trưởng thôn Vũ Tiến Lực để nhờ ông này làm thủ tục kê khai tài sản, nhận đền bù khi di dời ra khỏi khu vực ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m của Khu liên hợp xử lý chất thải trên địa bàn.
Ông Lực làm trưởng thôn từ năm 2000, gần bằng thời gian hình thành bãi rác Nam Sơn. Nhà ông chỉ cách bãi rác 150 m, từ sân nhìn ra là núi rác cao quá đầu người. Tủ hồ sơ trong nhà trưởng thôn chất hơn một kg giấy tờ, hầu hết là đơn từ của người dân liên quan đến kiến nghị di dời khỏi khu vực ảnh hưởng của bãi rác; nhiều tờ giấy đã ố vàng.
Theo ông Lực, thôn Xuân Thịnh nằm sát Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, qua hai đợt di dời để xây dựng bãi rác vào năm 1999 và 2012, nay cả thôn còn 78 hộ dân với 254 nhân khẩu.
"Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm tôi thấy bà con phấn khởi đến thế, hy vọng thành phố sớm giải quyết dứt điểm", ông Lực nói.
Ngồi bên cạnh, bà Nguyễn Thị Thư (49 tuổi) bổ sung thêm: "Người dân không muốn dựng lều, ăn nằm ngoài đường để chặn xe nữa. Mọi người ở nội thành bị ùn rác 4 ngày qua đã thấy khổ, còn chúng tôi chịu đựng 20 năm rồi. Ngày nắng ruồi đậu như phơi đỗ đen khắp nhà, mùi hôi thối thì chẳng dùng từ gì mà tả nổi".
Theo đơn giá đền bù dự kiến, khu nhà đất của gia đình bà Thư được định giá khoảng một tỷ đồng. Bà dự tính sẽ dành số tiền đó mua đất dựng nhà tại quê chồng ở Hà Tĩnh.
Gần hộ bà Thư, ba thế hệ gia đình ông Trần Ngọc Tuất (63 tuổi) sinh sống dưới một mái nhà. Ông Tuất nhẩm tính mảnh đất của gia đình có thể được đền bù khoảng 1,4 tỷ đồng, song băn khoăn với số tiền này sẽ khó mua đất dựng nhà nơi khác cho 5 người sinh sống.
"Chẳng ai muốn đi khỏi nơi mình gắn bó gần hết cuộc đời, có tình làng nghĩa xóm. Nhưng vì tương lai, sức khỏe của con cháu, chúng tôi mong được đi khỏi đây càng sớm càng tốt", ông Tuất chia sẻ.
Gia đình ông trưởng thôn, bà Thư, ông Tuất đều nằm trong số hơn 1.100 hộ dân thuộc 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) sẽ di dời khỏi bán kính 500 m bãi rác theo kế hoạch của TP Hà Nội.
Trước đó trong cuộc tiếp xúc với người dân ba xã nêu trên vào tháng 5/2016, lãnh đạo Hà Nội đã cam kết và giao UBND huyện Sóc Sơn thực hiện việc di dời các hộ dân chịu ảnh hưởng của bãi rác; hoàn thành trong năm 2018.
"Hồi đó cấp trên chỉ đạo như vậy nhưng chưa có quyết định chính thức. Đến tháng 7/2018, huyện mới tiến hành khảo sát, kiểm đếm và lập bản dự thảo tài chính cho việc đền bù các công trình phải di dời", ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn nói.
Cụ thể, huyện Sóc Sơn đã đo đạc diện tích 396 ha của hơn 2.000 hộ dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của bãi rác Nam Sơn, trong đó khoảng một nửa là các hộ dân không có nhà nhưng có đất canh tác trong phạm vi này. "Công việc kiểm đếm với số lượng lớn, nhiều công trình lớn, nhỏ, mới, cũ khác nhau nên thời gian kéo dài", ông Hùng giải thích việc chẫm trễ.
Đến ngày 14/1/2019, thành phố Hà Nội có văn bản cho phép huyện Sóc Sơn lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chuyển đến người dân mức đền bù cụ thể của từng gia đình.
Theo đó sẽ có hai hình thức đền bù là nhận tiền trực tiếp hoặc chuyển đến khu tái định cư. "Chúng tôi đang cố gắng để đến đầu quý II năm nay sẽ giải quyết xong các công việc liên quan", ông Hùng nói.
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết ba khu tái định cư được xây dựng trên quỹ đất của ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ. "Việc xây dựng khu tái định cư đã được triển khai cách đây một năm, tuy nhiên do thiếu kinh phí nên kéo dài. Hiện giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong và đang làm hạ tầng trên đất", vị này nói.
Huyện Sóc Sơn dự kiến kinh phí để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân là khoảng 3.400 tỷ đồng.
Vào chiều 10/1, nhiều người dân hai xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ dựng lều bạt để ngăn xe chở rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Tình trạng này kéo dài đến chiều 14/1 khiến nhiều tuyến đường ở 12 quận Hà Nội ngập rác.
Các mốc thời gian dự kiến triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
17/1, hoàn thiện hồ sơ đo đạc, bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng bán kính 500 m, nộp hồ sơ Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
20/2, cắm mốc giới thu hồi đất, bàn giao thực địa để giải phóng mặt bằng.
30/3, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Qúy II/2019, trả tiền cho người dân.
Theo Gia Chính - Tất Định (VnExpress.net)