Theo ông Võ Văn Hoà, Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn Khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, nhiều tỉnh/thành phố khu vực này tiếp tục có khả năng bị ngập úng kéo dài trong 2-3 ngày tới do tác động của lũ sông dâng cao và mưa lớn kéo dài.
Tại Hà Nội, diễn biến lũ lụt còn phức tạp. Vào 11h sáng nay, lũ trên sông Hồng đạt 11,1m, cách báo động 3 còn 40cm, là mức lũ lớn nhất trong 20 năm qua. Dự báo trong chiều nay, lũ tiếp tục dâng lên trên sông Hồng tại Hà Nội, có thể đạt 11,3m trước khi chững lại và xuống chậm.
Tại các sông nội tỉnh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ, nước lũ đang rất cao, trên báo động 3, gây nước dâng, tràn vào một số khu vực nội đô. Dự báo trong ngày hôm nay, nước lũ trên các sông này tiếp tục dâng lên và đạt đỉnh vào đêm nay, sau đó biến đổi chậm.
Ông Hoà lưu ý, dự báo biến động lũ trên các sông sẽ phụ thuộc vào các hồ chứa xả nước và diễn biến mưa lớn, cần cập nhật các bản tin liên tục và mới nhất.
Về ngập úng ở Hà Nội, ông Hoà cho biết, với xu thế lũ lên và mưa lớn còn kéo dài, ngập lụt tại khu vực ven đê các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình và Long Biên còn tiếp tục trong ít nhất 2-3 ngày tới.
Tại các huyện Chương Mỹ, Ứng Hoà, Phúc Thọ, Sơn Tây, Mỹ Đức, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh và Hà Đông trong 2-3 ngày tới tiếp tục có ngập lụt cục bộ do lũ trên các dòng sông nhỏ nội tỉnh tăng lên, riêng tại điểm nóng Chương Mỹ, theo ông Hoà, ngập lụt sâu có khả năng kéo dài do việc thoát nước bị ảnh hưởng bởi lũ lớn trên các sông chính. “Chúng tôi đang dõi chặt chẽ diễn biến lũ để cung cấp bản tin về ngập úng diện rộng trên toàn thành phố Hà Nội”, ông Hoà chia sẻ.
Ông Hoà thông tin thêm tại Thái Nguyên, khu vực thành phố và các huyện Phổ Yên, Phú Bình vẫn có nguy cơ ngập lụt kéo dài thêm 1-2 ngày tới, đồng thời cho biết, trong suốt lịch sử kể từ khi có dữ liệu quan trắc, đây là lần đầu tiên Thái Nguyên ghi nhận lũ lụt nghiêm trọng như vậy.
Tại Bắc Giang, ông Hoà lưu ý các xã giáp ranh với sông Thương, sông Cầu tại huyện Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hoà vẫn ngập kéo dài do mực nước sông Thương, sông Cầu vẫn tiếp tục lên trong đêm nay, duy trì trên mức báo động 3, sau đó biến đổi chậm.
Lũ lụt tại Bắc Giang năm nay, theo ông Hoà tương đương với lũ lụt ghi nhận vào năm 2008 và 1986, từng gây ra ngập úng kéo dài và thiệt hại rất lớn về kinh tế xã hội.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ sáng nay, vùng mưa lớn chuyển dịch trọng tâm từ vùng núi, trung du sang đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.
Do mưa lớn kéo dài, lũ trên thượng nguồn biến đổi chậm nên từ hôm nay đến sáng mai, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình tiếp tục lên mức báo động 3 và trên báo động 3, gây ngập lụt diện rộng và nghiêm trọng tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình. Ông Khiêm, khả năng ngập úng tại các khu vực trên có thể kéo dài ít nhất 2-3 ngày tới.
Miền Bắc đang trải qua đợt mưa lũ tồi tệ do ảnh hưởng của cơn bão YAGI, sau đó là liên tiếp các hình thái gây mưa như dải hội tụ nhiệt đới, xoáy thấp hình thành trên đất liền. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đã bỏ xa mức kỷ lục năm 1968, mực nước trên sông Cầu cũng phá vỡ kỷ lục năm 1959 vào hôm qua. Dự báo do tình hình thời tiết xấu, mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp trong 2-3 ngày tới ở miền Bắc.
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)