Hơn một tháng sau khi Hà Nội ban hành quy định cấm ghi hình cán bộ nếu chưa xin phép, thành phố đã có văn bản hướng dẫn nếu công dân có đề nghị quay phim, chụp ảnh, ghi âm hoặc đề nghị cung cấp dữ liệu buổi tiếp công dân.
Trong hướng dẫn, Hà Nội vẫn giữ quy định công dân muốn ghi âm, ghi hình hay chụp ảnh cán bộ tiếp công dân phải xin phép; đồng thời bổ sung quy định cấm phát Livestream hoặc các hình thức phát trực tiếp âm thanh, hình ảnh buổi tiếp công dân ra bên ngoài.
Cụ thể, thành phố đồng ý cho quay phim, chụp ảnh, ghi âm buổi làm việc nếu công dân: có đề nghị; chấp hành đúng các quy định về tiếp công dân và nội quy về việc tiếp công dân; cam kết sử dụng dữ liệu đúng quy định pháp luật.
Vị trí ghi âm, chụp ảnh, quay phim được hai bên thống nhất trước buổi tiếp, đảm bảo không làm lộ bí mật người tố cáo, thông tin tài liệu tố cáo của công dân khác.
Quy định cũng nêu, trong quá trình quay phim chụp ảnh, ghi âm, nếu công dân có hành vi phản cảm, mất trật tự như dí thiết bị ghi âm, ghi hình vào mặt cán bộ; phát Livestream hoặc các hình thức phát âm thanh, hình ảnh trực tiếp khác ra ngoài... thì cán bộ được quyền dừng buổi làm việc để nhắc nhở.
Công dân có đề nghị cung cấp âm thanh, hình ảnh buổi làm việc và cam kết sử dụng đúng pháp luật sẽ được Ban tiếp công dân cung cấp qua thư điện tử hoặc qua thiết bị lưu trữ của công dân.
Trước đó, Hà Nội ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố, trong đó quy định công dân "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân". Quy định trên đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau, một số luật sư cho rằng quy định của Hà Nội là trái luật.
Lý giải cho quy định trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng "tất cả việc ghi âm, ghi hình đều phải được thực hiện công khai". Quy định trên là "để chống một số người đi theo công dân đến buổi tiếp, bí mật ghi âm, ghi hình về cắt xén đưa lên mạng với mục đích khác".
Cũng theo ông Chung, tất cả các phòng tiếp công dân đều được trang bị camera, có ghi âm, ghi hình, nếu người dân yêu cầu trích xuất camera thì cán bộ có thẩm quyền sẽ thực hiện việc này. Nếu người dân có nhu cầu trực tiếp ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp dân để hai bên cùng kiểm tra nội dung, xác nhận bằng văn bản mục đích sử dụng trên cơ sở minh bạch.
Trong cuộc họp báo của Bộ Tư pháp cuối tháng một, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho hay, tất cả 63 tỉnh thành đều ban hành nội quy tiếp công dân, trong đó 28 địa phương và một số bộ có quy định không được ghi âm, ghi hình khi chưa có sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.
Ông Ba cho rằng trách nhiệm xem xét tính pháp lý của quy định trên có phù hợp không, xử lý thế nào trước hết thuộc chính cơ quan ban hành và có trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ - cơ quan của Chính phủ được giao tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tiếp công dân.
Theo Võ Hải (VnExpress.net)