Hàng trăm phản hồi tranh luận về quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” trong nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP vừa được Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành.
Làm sai mới sợ
Bạn đọc Mai Tuấn cho rằng, cán bộ là đầy tớ của dân, làm việc dưới sự giám sát của dân và đặt câu hỏi: Tại sao làm việc lại cấm nhân dân giám sát?
"Nếu cán bộ không làm gì sai thì không việc gì phải sợ, phải cấm" - bạn đọc Mai Tuấn nêu quan điểm.
“Còn thành phần nào quay phim với mục đích xấu chống đối thì đã có luật xử lý riêng về hành vi này. Thời gian gần đây cũng nhờ nhân dân quay phim, ghi âm, chụp hình nên rất nhiều vụ việc được làm sáng tỏ và đưa ra ánh sáng.
Tại sao chúng ta không biết phát huy điểm mạnh đó để xây dựng một bộ máy vững mạnh, trong sáng phục vụ đất nước chứ không nên cấm. Đó là quyền công dân’, bạn Mai Tuấn bày tỏ.
Đồng quan điểm, bạn đọc Quốc chia sẻ, khi tiếp dân cán bộ nói đúng, chí công vô tư, không cửa quyền hống hách thì sợ gì quay phim mà phải nói còn mong được quay phim để được khen ngợi.
“Chỉ làm sai mới sợ ghi âm, ghi hình. Đừng tước đi quyền giám sát của dân” - là ý kiến của bạn Hoang Huynh.
Chia sẻ bản thân là một chủ tịch thường xuyên tiếp và đối thoại với dân, bạn Thanh Thiên nói không có gì phải cấm quay phim, ghi âm khi tiếp dân và chỉ có làm mờ ám mới phải cấm.
Bạn đọc Song dẫn việc pháp luật không cấm mà Hà Nội lại cấm là không đúng luật và đặt giả định: Nếu không quay phim chụp hình thì công chức tiếp công dân hút xì gà, hút thuốc lào… sẽ như nào?
Còn bạn đọc Hùng thì cho hay, cán bộ tiếp dân mà làm tốt thì việc ghi hình cũng không ảnh hưởng, ngược lại đưa lên còn có tác dụng tuyên truyền.
"Cán bộ mà đúng đắn, trong sáng thì không sợ ghi âm, ghi hình. Chỉ có những người không trong sáng thì mới sợ việc đó" - bạn đọc Nguyễn Thế Phong nêu quan điểm.
Phải hỏi ý kiến
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, có quy định cấm ghi hình cán bộ tiếp dân nhằm “chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác”.
Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân.
“Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”, ông Chung nói.
Tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của TƯ trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình.
“Người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận”, ông Chung cho hay.
Một lãnh đạo Ban Tiếp công dân TP Hà Nội cũng cho biết, nội quy này được TP ban hành dựa trên quy định tại điều 12 của luật Tiếp công dân, cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Vị này lý giải, nhiều trường hợp đến trụ sở tiếp công dân giơ máy điện thoại gí sát vào mặt cán bộ tiếp dân, thậm chí vừa trình bày với cán bộ tiếp dân vừa phát trực tiếp trên mạng xã hội. Hơn nữa việc ghi hình, ghi âm đó lại không phục vụ cho buổi tiếp công dân, thậm chí còn gây phản cảm, bức xúc, tăng sự căng thẳng của chính công dân và người tiếp công dân.
Lãnh đạo Ban tiếp công dân TP chia sẻ, bản thân ông cũng từng là “nạn nhân” của việc vừa tiếp công dân vừa bị phát trực tiếp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thường trong cả trăm người thì chỉ có một vài người như vậy.
“Mình tiếp, nghe công dân trình bày, ghi chép đầy đủ, thật kỹ các ý của họ. Trong trường hợp cần thiết còn hướng dẫn công dân thực hiện quyền của mình.
Người tiếp công dân chỉ là người lắng nghe thôi chứ không phải là người giải quyết sự việc”, vị này giải thích thêm.
Theo ông, cán bộ tiếp công dân cũng có quyền cơ bản. Ví dụ một người muốn ghi hình một người khác thì phải xin phép, kể cả ở ngoài đường hay ở đâu.
“Anh ghi hình tôi thì phải xin ý kiến tôi. Đang ở cơ quan nhà nước, anh muốn ghi hình thì phải xin ý kiến chứ”, vị cán bộ nói.
Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, quy định này là đúng vì vừa để bảo vệ người dân, vừa bảo vệ cán bộ tiếp dân.
Người dân có quyền giám sát, nên giám sát để cán bộ làm công tác tiếp dân cẩn thận, có thái độ đúng mực, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng hạch sách, quát nạt người dân. Nhưng cũng cần phải bảo vệ cán bộ tiếp dân. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng.
Cán bộ tiếp dân phải làm sao để người dân không cảnh giác với mình, không cần phải ghi âm, chụp ảnh...
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)