Chiều 3/5, theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội về công tác bảo đảm y tế dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 cho thấy, các cơ sở y tế trên toàn thành phố đã khám cấp cứu cho 4.265 trường hợp.
Trong số 4.265 trường hợp khám cấp cứu có 299 trường hợp tai nạn giao thông, 112 trường hợp tai nạn lao động, 389 tai nạn sinh hoạt và 3.465 trường hợp cấp cứu vì nguyên nhân khác.
Bên cạnh đó, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã đáp ứng 329/329 lượt yêu cầu cấp cứu, phục vụ 224 bệnh nhân cấp cứu, vận chuyển 160 bệnh nhân tới bệnh viện trong 4 ngày nghỉ lễ.
So với kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm 2019, kỳ nghỉ lễ năm nay ít hơn 1 ngày và số lượng các ca khám cấp cứu và tai nạn giảm 45%. Riêng tai nạn giao thông giảm 35%, tai nạn do sinh hoạt giảm 30%.
Cũng trong 4 ngày nghỉ, số người phải nhập viện điều trị nội trú là gần 3.300 trường hợp. Các bệnh viện cũng đã tiến hành phẫu thuật cho 620, đỡ đẻ và mổ đẻ cho 595 ca. Ngoài ra, tại các bệnh viện đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong do bệnh lý.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận xét, các đơn vị đã tổ chức trực đầy đủ theo quy chế chuyên môn, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để dự phòng, tiếp nhận điều trị cấp cứu chấn thương, ngộ độc hàng loạt.
Ngoài ra, tại các bệnh viện đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố và Bộ Y tế về công tác sàng lọc, phân luồng, phân tuyến, cách ly điều trị và công tác phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện.
Về tình hình dịch bệnh COVID-19, từ 15/4 đến nay, trên địa bàn thành phố không ghi nhận thêm ca mắc mới.
Dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản đã được kiểm soát tốt nhưng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh hạn chế số lượng người ra vào cơ sở y tế, không tập trung đông người tại một thời điểm bằng hình thức hẹn khám qua điện thoại, qua mạng… rút ngắn thời gian điều trị nội trú, áp dụng hình thức cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với người bệnh có bệnh lý mạn tính (không quá 2 tháng).
Đặc biệt, thực hiện việc dừng thăm bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các bệnh viện. Một người bệnh chỉ có một người chăm sóc trực tiếp, hạn chế thay đổi người chăm sóc, có phương án quản lý người ra vào bệnh viện, không để xảy ra tình trạng không kiểm soát được người ra vào cơ sở khám chữa bệnh.
Theo T.Nguyên (Giadinh.net.vn)