Hạ giải tòa nhà 'Hàm cá mập' để mở rộng không gian công cộng

25/05/2025 13:45:14

UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, với điểm nhấn là việc hạ giải tòa nhà số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng, thường được gọi là "Hàm cá mập". Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch tái thiết không gian công cộng tại khu vực trung tâm Thủ đô.

Được sự cho phép của TP Hà Nội, trong thời gian qua UBND quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây là điểm kết nối 2 khu vực đô thị di sản gồm Hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn ở phía Nam (di tích cấp Quốc gia đặc biệt) và khu Phố cổ ở phía Bắc (di tích cấp Quốc gia). Sau khi được TP giao nhiệm vụ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, UBND quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định và ban hành thông báo thu hồi đất đối với địa điểm số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng.

Hạ giải tòa nhà 'Hàm cá mập' để mở rộng không gian công cộng
Dự án cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nhằm tạo dựng không gian công cộng hiện đại tại trung tâm Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Theo thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm, việc phá dỡ tòa nhà "Hàm cá mập" bắt đầu từ cuối tháng 5/2025. Tòa nhà này được xây dựng từ năm 1991–1993 và do Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý. Trước đó, các đơn vị thuê mặt bằng đã hoàn tất việc di dời trang thiết bị vào cuối tháng 4/2025.

Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan triển khai thưc hiện việc hạ giải tòa nhà số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng. Ngày 25/5/2025, sẽ triển khai các biện pháp an toàn, tháo dỡ di chuyển các trang thiết bị và hạ giải công trình. Dự kiến, công việc trên sẽ hoàn thành trong tháng 6/2025.

Được biết, sau khi phá dỡ tòa nhà "Hàm cá mập", khu vực này sẽ được phát triển thành không gian công cộng rộng khoảng 1,2 ha. Dự kiến sẽ xây dựng ba tầng hầm với các chức năng như không gian văn hóa, thương mại và bãi đỗ xe. Việc thiết kế không gian ngầm và tổ chức giao thông sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm giữa hai khu vực di sản quan trọng: một bên là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và di tích Quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn, một bên là di tích cấp Quốc gia Khu phố cổ Hà Nội. Việc cải tạo khu vực này nhằm kết nối không gian văn hóa – lịch sử, đồng thời tạo lập không gian công cộng hiện đại phục vụ người dân và du khách.

Theo Công Thọ (Pháp Luật & Xã Hội)