Câu chuyện du học sinh Việt sang nước ngoài du học rồi ở lại đó làm việc mà không về cống hiến cho đất nước đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhất là khi có phát ngôn của anh Nguyễn Thành Vinh – Á quân Đường lên đỉnh Olympia khi cho rằng về nước là sự lãng phí khi môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp cho người thực tài phát triển giá trị và năng lực bản thân thì nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này càng trở lên nóng bỏng.
Nhiều ý kiến đồng tình khi dẫn chứng câu chuyện của anh Doãn Minh Đăng - cựu quán quân Đường lên đỉnh Olympia, giảng viên trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ gặp phải trong việc “hòa nhập” với môi trường làm việc trong nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại không đồng thuận bởi thực tế có rất nhiều du học sinh sau khi du học ở nước ngoài về phục vụ đất nước, họ rất thành công, cống hiến nhiều việc làm có ích cho xã hội, giúp phát triển kinh tế đất nước.
Xung quanh vấn đề trên PV đã có cuộc trao đổi với GS Văn Như Cương.
|
GS Văn Như Cương.
|
- Thưa GS, xung quanh việc các du học sinh Việt khi đi học ở nước ngoài không về Việt Nam bởi họ cho rằng môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp với người thực tài phát triển, khó có thể chuyên tâm nghiên cứu khoa học. GS nhận định sao về ý kiến đó?
- GS Văn Như Cương: Trước hết phải phân biệt có 2 dạng du học sinh. Một dạng du học sinh đi du học ở nước ngoài theo kinh phí do nhà nước cấp và một dạng du học sinh đi du học từ tiền cá nhân và gia đình họ.
Với những du học sinh đi du học ở nước ngoài theo dạng kinh phí do nhà nước cấp thì tiền nhà nước cấp ấy là tiền thuế của người dân Việt Nam đóng góp với mục đích đưa họ ra nước ngoài du học, trao dồi kiến thức, kinh nghiệm, tạo ra những người thực tài để về nước đem tài năng, kiến thức đã học ở nước ngoài để phục vụ sự phát triển của đất nước. Bản thân những du học sinh này không có lý do gì để đòi hỏi cũng như so sánh môi trường làm việc trong nước với nước ngoài. Bởi họ được cử đi học để phục vụ đất nước.
Với những người tự bỏ tiền đi học ở nước ngoài. Tất cả mọi người ở lại nước ngoài đều nói lý do nếu về nước họ không có điều kiện để phát triển năng lực như kinh tế, hoàn cảnh làm việc…Ở lại nước ngoài, họ cho rằng nơi đó có điều kiện để phát triển tài năng, được làm việc đúng năng lực. Họ lập gia đình sinh sống tại đó. Dù đó là sự lựa chọn của họ và cũng là quyền của họ nhưng nếu xét cho cùng, ai cũng cho rằng, môi trường trong nước không đủ điều kiện để họ phát triển thì đến bao giờ mới đủ điều kiện. Ai cũng đi du học xong không về nước để góp phần phát triển kinh tế xã hội thì đến bao giờ đất nước mới phát triển được. Họ nên nhớ, dù họ không đi du học bằng kinh phí nhà nước cấp nhưng trước khi có cuộc sống như bây giờ, bao nhiêu thế hệ người Việt đã hi sinh xương máu để có cuộc sống cho chúng ta như ngày hôm nay. Mỗi công dân phải luôn có ý thức với đất nước, với dân tộc, có ý thức xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, tốt đẹp thì không nên nói như thế.
Những du học sinh nói lý do môi trường làm việc, vấn đề kinh tế, lương bổng…tại Việt Nam để không về nước, đó chỉ là sự ngụy biện cho việc họ ở lại nước ngoài. Dù sao tất cả cũng hoàn toàn vì cá nhân của họ.
Có một thực tế, không phải tất cả các du học sinh khi học tập ở nước ngoài đều là người giỏi cả đâu. Có nhiều người khi học xong, có bằng mang về nước nhưng lại không thể đáp ứng được công việc.
Nhắc lại lịch sử, trước đây, trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, Bác Hồ đi công tác tại Pháp đã mang về nước bao trí thức như ông Trần Đại Nghĩa và nhiều người khác. Khi đó, họ phải từ bỏ cuộc sống hoa lệ ở Pháp về Việt Bắc sống và làm việc trong môi trường nhiều khó khăn nhưng họ vẫn về và đóng góp tài năng cho đất nước. Khi đó, họ mà cũng suy nghĩ về việc lợi ích cá nhân, cũng nói rằng môi trường ở Việt Nam không phù hợp cho họ phát triển thì làm sao góp phần làm nên chiến thắng của chúng ta. Hay trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, bao nhiêu thế hệ tri thức như chúng tôi đã lên đường và chiến đấu.
- Theo GS, hiện nay môi trường làm việc ở Việt Nam có đủ điều kiện để những du học sinh sau khi học ở nước ngoài về có thể phát triển tài năng, đóng góp cho đất nước?
- GS Văn Như Cương: Khi đi học ở nước ngoài, nghiên cứu khoa học, anh tích lũy được một số vốn kiến thức học hỏi được, khi về nước anh muốn phát triển những kiến thức ấy thì bản thân anh phải vận động, phải tự tìm lấy. Bởi nói về môi trường làm việc thì nó rất rộng nếu anh biết tận dụng cơ hội, nắm bắt được các điều kiện thì sẽ phát triển.
Có một thực tế, hiện nay nhìn chung điều kiện trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, lương bổng ít nhưng tất cả mọi người đều như thế. Có điều anh có thích nghi được và phát huy những kiến thức mà anh đã học được từ nước ngoài hay không. Trên thực tế, có nhiều du học sinh về nước, họ đã có những công trình nghiên cứu mang lại nhiều công ăn việc làm cho nhiều người, đóng góp mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước và thành công cho bản thân họ. Nếu họ cũng suy nghĩ như thế thì đâu có được thành tựu như vậy.
Ai cũng biết, môi trường ở nước ngoài có nhiều cơ hội tìm việc làm tốt, có nhiều điều kiện để phát triển nghiên cứu khoa học và những người có năng lực bao giờ cũng được trả công xứng đáng đúng với những thành quả mà họ tạo ra. Tuy nhiên, ở môi trường trong nước và nước ngoài đều có những khó khăn riêng, mỗi người phải thích nghi thì mới có thể phát triển.
|
Clip "Vì sao du học sinh học xong không muốn về nước"- Nguồn VTC1 |
- Để có thể thu hút các du học sinh về nước đóng góp tài năng cho sự nghiệp phát triển đất nước, chúng ta nên có những chính sách ưu tiên những du học sinh thực tài, tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát triển năng lực bản thân? GS nghĩ sao về điều này?
- GS Văn Như Cương: Theo tôi là rất khó. Nếu cho rằng du học sinh học ở nước ngoài về nước phải có chế độ lương thưởng cao hơn với người học trong nước để họ cống hiến thì cũng không ổn. Bởi trong một môi trường làm việc mà có sự phân biệt thì cũng rất khó. Sẽ có ý kiến kiểu: “những du học sinh, họ có quyền lợi được đi học ở nước ngoài nhưng chưa thể hiện được năng lực trong môi trường làm việc mà lương cao hơn chúng tôi, những người không được điều kiện đi học như thế” thì cũng không ổn.
Có một thực tế, trong môi trường làm việc, anh có sáng kiến, có phát minh mang lại nhiều giá trị được áp dụng rộng rãi góp phần vào sự phát triển thì anh sẽ được đền đáp xứng đáng. Ví dụ, khi những sáng kiến, phát minh ấy mang lại lợi ích kinh tế 100 tỷ thì không có lý do gì không tặng họ 1 tỷ, đó không chỉ là tặng thưởng mà còn là sự ghi nhận đánh giá cá nhân người có năng lực vào sự phát triển chung. Xã hội sẽ luôn ghi nhận những người tài có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, đất nước Việt Nam.
- Xin cảm ơn GS Văn Như Cương!
>> "Du học sinh về nước hay ở lại?"
>> Du học sinh: Đi đi, đừng về!
Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)