Không ai “điên đi bỏ ra cả chục, cả trăm tỷ mua mấy kie lan về chăm sóc đợi ngắm hoa"
Những ngày qua, các thương vụ lan đột biến (lan VAR) trị giá hàng trăm tỷ đồng ở các địa phương như Hòa Bình, Quảng Ninh gây xôn xao. Mới đây nhất, là vụ việc chủ vườn lan Hà Thanh (do anh Nguyễn Hà Thanh, ở xã Hoà Nam, huyện Ứng Hoà, Hà Nội làm chủ) bị tố "ôm" tiền bỏ trốn.
Trao đổi với PV, anh C., một chủ vườn lan ở Vân Đồn (Quảng Ninh) cho hay, với người chơi lan lâu năm thì lan VAR trước đây có giá chỉ đến vài triệu hoặc hơn chục triệu đồng cho mỗi kie (mầm con) là cao.
Còn hiện nay, lan đột biến bị các nhà vườn lớn “thổi giá” quá mức, nhằm tạo ra sức hấp dẫn, thu hút đầu tư kinh doanh hơn là để chơi lan chuyên nghiệp.
Anh C. nói thêm, gần đây thị trường lan đột biến có chiều hướng “sốt” hơn do lượng tiền của những người kinh doanh đổ vào thị trường này quá lớn, trong khi số lượng cây có hạn dẫn đến khan hàng, giá bị “thổi” cao.
"Lan VAR đã là hiếm rồi nhưng nó lại có hàng trăm ngàn kiểu hoa khác nhau, thị hiếu của người chơi đa dạng và có thay đổi giống như các thú chơi khác nên giá cũng thay đổi.
Chẳng hạn như lan Bạch Tuyết 5 cánh trắng đột biến hay Hiển Oanh, Ngọc Sơn Cước, Năm cánh trắng Phú Thọ... thường được giao dịch với giá lên tới hàng tỷ đồng", anh C. chia sẻ.
Tuy nhiên, chính anh C. cũng thừa nhận, "không ai điên đi bỏ ra cả chục, cả trăm tỷ để mua mấy kie lan về chăm sóc đợi ngắm hoa cả".
"Vì thị trường này giao dịch sôi động, tính thanh khoản và lợi nhuận cao nên đủ thành phần trong xã hội tham gia và người đi sau nhìn người đi trước lao vào đầu tư.
Nhưng thú thực, khi giao dịch mình trực tiếp đi xem nhìn thấy tiền họ chồng ra nhiều tỷ thật nhưng đằng sau đó, họ có những thỏa thuận thế nào, mua bán thật - ảo ra sao cũng không thể biết được. Cái này chỉ có người trong cuộc mới rõ", anh C. nêu rõ.
GS.TS Đỗ Năng Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho hay, hiện chưa có bất cứ tài liệu khoa học nào khẳng định những cây lan được giao dịch trên thị trường trong thời gian qua là lan đột biến.
GS Vịnh nói, hiện nay có rất nhiều loài lan đặc sắc, chưa kể còn có thêm nhiều loại lan mới do lai tạo, phân ly tính trạng tạo nên.
Đối với đột biến, theo GS Vịnh, là một hiện tượng xảy ra ở gen và dẫn đến sự thay đổi tính trạng. Một đột biến thông thường sẽ không động chạm được đến hầu hết các tính trạng.
Còn có những đột biến gây ra tính trạng đa gen có thể dẫn đến thay đổi nhiều, nhưng đột biến đơn gen thì chỉ làm thay đổi một vài tính trạng nào đó. Đồng thời, bản chất của cây lan đột biến và cây bố mẹ phải có tương đồng nhất định.
"Ở đây, làm sao có thể nói một cây lan là đột biến khi chưa biết cây gốc (cây bố mẹ) của cây này là cây gì? Đột biến bằng phương pháp nào ra như vậy? Và ai là người dùng phương pháp khoa học để khẳng định, đó là đột biến?
Do đó, khi người đi buôn hay khoa học hoặc bất kỳ ai nói đó là đột biến nhưng lại không có bằng chứng khoa học thì đều không đáng tin cậy.
Chưa kể, đột biến thường gắn với những tính trạng đặc sắc, đôi khi là nổi trội nên một số người thường vin vào, lấy danh nghĩa của nó để quảng cáo, làm thương mại", GS Vịnh nêu ý kiến.
Chưa thấy trên thị trường có loại lan đột biến nào rực rỡ đến mức kinh ngạc cả
GS Đỗ Năng Vịnh thông tin, thực tế, chưa có người trồng nào mời ông đến xem xét, đánh giá, nghiên cứu để khẳng định đó có phải lan đột biến không.
"Theo tôi biết chưa có nhà khoa học, công trình nào nghiên cứu về lan đột biến mà tất cả chỉ là do những người buôn tự đặt ra cái tên lan đột biến để phục vụ mục đích của mình", GS Vịnh nói.
Vị GS này chỉ rõ, đôi khi một cây lan khác biệt lại bị "gán" cho danh "đột biến" nhưng thực tế, trong thế giới các loài lan, tính trạng vô cùng đa dạng từ hình thái của hoa, màu sắc, cây, rễ... biến đổi vô cùng, vô tận.
"Không thể nói sự biến đổi đó là đột biến được. Bản thân tôi không tin vào phong lan đột biến mà thực tế, đó chỉ là các chiêu trò thương mại, nếu không muốn nói là rất gần lừa bịp", GS Vịnh nhấn mạnh và cho rằng, với những "thương vụ" giao dịch trăm tỷ, chục tỷ một cây phong lan được cho là đột biến thì chỉ người trong cuộc mới biết được thực sự phía sau là gì.
Trước câu hỏi, chúng ta có nên có đề tài nghiên cứu về lan đột biến này không, GS Vịnh khẳng định, không đáng để làm như vậy.
Ông nêu, nếu cây phong lan có giá trị rất lớn thì gen đột biến đó hết sức có giá trị và khi tìm được gen đó sẽ có tương lai rất lớn trong ngành này.
"Nhưng đến giờ, chúng ta cũng không biết gen đó có tổng hợp ra hoạt chất gì đặc biệt liên quan màu sắc hay y dược nên việc đặt vấn đề nghiên cứu là không cần thiết.
Chưa kể, chưa ai xác định được giá trị của nó đến đâu và thực tế, tôi cũng chưa thấy trên thị trường có loại lan đột biến nào rực rỡ đến mức kinh ngạc cả. Tất cả chỉ truyền miệng, quảng cáo với nhau chứ không có giá trị gì.
Do đó, người dân không nên kinh doanh lan đột biến bởi mua về không biết bao giờ ra hoa, có thể nhân bản ra cây khác được không", GS Vịnh nêu ý kiến.
Nhà khoa học này cũng đặt vấn đề, lan đột biến từ nông nghiệp với giá trị lớn như vậy nhưng không bị đánh thuế là điều hết sức vô lý.
"Theo tôi, đây không phải là cây trồng nông nghiệp mà là thứ thương mại có giá trị cao, siêu lợi nhuận nên rất cần phải đánh thuế, mang nguồn thu về cho Nhà nước", ông Vịnh đề xuất.
TS Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp cũng cho rằng tỷ lệ đột biến trong cây trồng rất thấp, có khi hàng triệu cây mới có một cây đột biến ngoài tự nhiên, qua bao nhiêu thế hệ lai chéo mới tạo ra màu sắc, hình thái mới.
Ông nói thêm, quá trình lai tạo ngoài tự nhiên mới được gọi là đột biến, mới quý hiếm còn những loại lan đột biến được giao dịch rầm rộ, nhan nhản trên mạng xã hội vừa qua thì rất khó xác định có thực sự là đột biến trong tự nhiên hay có phải hàng quý hiếm hay không.
"Chỉ có một nhóm người giao dịch với nhau thì không chứng minh được giá trị về mặt khoa học", TS Trường nêu.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)