Anh H. (40 tuổi, quê Thái Nguyên) mỗi tuần kiếm khoảng 3 triệu đồng nhưng nhiều người phải bán đồng phục vì không thể cạnh tranh và sợ bị cánh xe ôm truyền thống hành hung.
Cao điểm, có GrabBike chạy tới bạc cả áo kiếm tới hơn 1 triệu đồng/ngày nhưng cũng có người không chịu nổi áp lực nghề nghiệp đã phải bán áo, đổi mũ, chuyển nghề. Nữ GrabBike còn bị khách sàm sỡ, rủ đi nhà nghỉ.
'Rừng quan san' đã bạc màu GrabBike
N.V.D (SN 1995, trú ở phường Trung Hòa, Cầu Giấy) một GrabBike gần 1 năm trong nghề nói với tôi rằng bắt khách dọc đường không ngon ăn như mọi người nghĩ. Một hành khách xuất hiện thường có cả xe ôm truyền thống và GrabBike, taxi dù vây quanh chèo kéo.
Các GrabBike khẳng định phải cày cuốc cả ngày, đêm mới có thể thu nhập được hơn 10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Dự Hà. |
D. cho biết mỗi ngày cậu cũng kiếm được khoảng 350.000- 400.000 đồng sau khi đã trừ chi chí xăng xe.
"Có người đỉnh điểm kiếm được hơn 15 triệu đồng/tháng nhưng chỉ là hi hữu. Họ phải ‘cày’ từ sáng đến tối”. GrabBike tên H. nói. |
Ở quanh khu vực bến xe Mỹ Đình, nhắc đến GrabBike tên H. (quê khu gang thép Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) ai cũng biết.
Mới vào Grab được 4 tháng nhưng anh H. được xem là một trong 10 người chạy “trâu” nhất cộng đồng GrabBike Hà Nội.
Anh H. bảo kể cả chạy xe ôm truyền thống hay Grab, thu nhập cao hay thấp phụ thuộc hoàn toàn vào sự cần cù. Hàng ngày anh phải dậy sớm đứng ở bến xe từ 5h sáng, đến tối mịt mới về nhà.
Anh H. khẳng định chạy Grab không nhàn hạ và thu nhập cao như mọi người nghĩ và cũng không giống như lời có cánh mà công ty Grab quảng cáo trên mạng.
Nói rồi anh H. mở lịch sử các cuốc xe cho tôi xem. Mỗi tuần, anh H. đều chạy được từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Đỉnh điểm nhất là ngày 2/5, sau kỳ nghỉ lễ quốc tế lao động và Tết Độc lập, anh H. chạy được 1,2 triệu đồng. Nhưng có những ngày anh chạy chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng.
Nhiều GrabBike rao bán áo đồng phục. Ảnh: Văn Chương. |
Trường hợp thu nhập tốt như anh H. hay D. chỉ đếm trên đầu ngón tay so với số lượng hơn 39.000 thành viên trong group của cộng đồng GrabBike. Bởi nhiều người xe ôm công nghệ phải “giải nghệ” vì không trụ được với nghề.
Đó là trường hợp của V.S (SN 1997, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau một tháng chạy thử, sinh viên này tự nghỉ vì không thể cạnh tranh được.
S. nói rằng nhiều ngày bật ứng dụng từ sáng đến tối, mỗi ngày S. chỉ kiếm được 3 cuốc khoảng 11.000 - 15.000 đồng. Với số lượng như vậy không đủ tiền xăng xe và ăn uống qua ngày.
Trước đây hầu như bạn bè cùng lớp với S. đều gia nhập đội quân Grab. Trước sự cạnh tranh khốc liệt, lại sợ bị xe ôm truyền thống hành hung, họ phải xin nghỉ vì áp lực.
Phận nữ nhi trên 'yên ngựa sắt'
Trong những ngày tháng làm GrabBike, tôi cũng được nghe kể rất nhiều câu chuyện liên quan đến các nữ GrabBike. Họ là những người không có việc làm ổn định. Có lẽ vì ngại, kể cả khi dừng bắt khách hoặc nói chuyện với đồng nghiệp, họ luôn đeo khẩu trang và không bao giờ xưng tên tuổi.
Phải mất 3 ngày làm quen, một nữ GrabBike đứng tại bến xe Mỹ Đình mới chia sẻ về việc nhiều lần bị khách hàng quấy rối, sàm sỡ.
Các nữ GrabBike luôn phải đối mặt với nguy cơ bị quấy rối. Ảnh: Văn Chương. |
Chị kể cách đây khoảng một tuần, chị đón khách ở chân cầu vượt Mai Dịch (Cầu Giấy) gặp một hành khách say rượu. "Mới lên xe, ông ta cứ ngồi sát vào lưng chị rồi vòng tay qua eo. Hơi thở nồng nặc mùi rượu. Chị càng đẩy ra khách lại càng áp sát. Gần đến nơi, vị khách này rủ đi nhà nghỉ nhưng chị nhất quyết từ chối", nữ GrabBike kể.
Hay một lần khác tại bến xe Mỹ Đình, chị bị một xe ôm truyền thống gạ đi nhà nghỉ. Thậm chí, chị lên xe bỏ đi nhưng gã xe ôm bám riết đến tận khu Trung tâm hội nghị Quốc gia. Phải đến khi nữ GrabBike này tiến lại chốt cảnh sát giao thông, gã xe ôm mới quay xe bỏ đi.
"Triệt hạ", bán đứng lẫn nhau
Vào group Hội Grab Hà Nội mới thấy sự cạnh tranh khốc liệt của "gà nhà". Nhiều thành viên lên nhóm chửi bới vì bị chính anh em "bán đứng", chụp ảnh không đội mũ, mặc áo đồng phục, bắt khách dọc đường rồi báo lên công ty.
Mới đây, thành viên Quang H. than vãn về việc bị tổng đài của công ty Grab gọi điện cảnh cáo vì thiếu đồng phục. Nhân viên của công ty nói rằng một lần nữa vi phạm sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Trước đó, H. nói rằng cậu có đi dép lê đứng bắt khách.
H. bảo Grab có chương trình tích điểm đổi thưởng. Ai chụp ảnh GrabBike về việc GrabBike không chấp hành gửi về tổng đài sẽ được thưởng điểm.
Sáng hôm trước, khi đang đứng với hai GrabBike ở đường Nguyễn Khánh Toàn thì bất ngờ có một GrabBike khác đi qua chụp ảnh H. đi dép. Ngay buổi chiều, H. nhận được điện thoại từ tổng đài.
Giống như H., một GrabBike tên Minh vừa bị đuổi oan vì bị cho là bắt khách ngoài. Minh cho biết sau khi tắt ứng dụng, cậu vẫn mặc đồng phục chở chị gái đi siêu thị. Không ngờ bị đồng nghiệp chụp ảnh gửi cho tổng đài. Dù đã gọi điện lên công ty giải thích nhưng họ vẫn khóa tài khoản của cậu.
Minh bảo tôi rằng GrabBike giờ rất thảm. Họ vừa bị xe ôm truyền thống hành hung, gây sự, vừa phải cạnh tranh với UberMoto, giờ lại bị đồng nghiệp xăm xoi chơi xấu.
Ra các bến xe mới thấy các GrabBike giơ điện thoại ra không phải để đón cuốc mà để chụp ảnh, "tố" nhau lên công ty. Thậm chí, mới đây tại bến xe Giáp Bát một GrabBike bị xe ôm truyền thống trấn lột mũ những người khác chỉ đứng cười.
Dù đăng ký chạy GrabBike nhưng nhiều tài xế tại bến xe Mỹ Đình, ga Hà Nội vẫn bắt khách ngoài ứng dụng, kỳ kèo với khách từng đồng như xe ôm truyền thống. |
Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)