Anh gần như không có bạn. Không biết nguồn cội mình là đâu, tức là thiếu luôn một nơi chốn để tìm về. Anh mơ về một gia đình có ông bà nội vui vầy cùng vợ con anh, nhưng hình như, đó cũng sẽ là một giấc mơ mà tính đến thời điểm này, không thể thành hiện thực.
Cuộc sống của anh nhóm lại với những người đã và đang gắn kết với cuộc sống của anh. Đã, là những người đã khuất. Đang, là đang gần với cuộc sống của anh hiện tại.
Mỗi một người, dù mất hay còn, đều giữ cho anh nhiều kỷ niệm đẹp và sở hữu những câu chuyện đặc biệt, với người đàn ông đặc biệt và có số phận đặc biệt này.
1- Vợ, một câu chuyện tình đẹp!
Nhắc đến chuyện tình cảm với Đức, Thanh Tuyền thường khóc. Họ biết nhau từ một người bạn của Đức.
"Nhìn thấy cảnh ảnh chăm sóc bạn, lúc đó tôi thấy cảm động. Lúc đó, tôi không hề biết anh là người em trong cặp song sinh Việt – Đức", chị Tuyền nhớ lại.
Quen nhau, Đức vẫn thế, chu đáo và kiên nhẫn. Dù những ngày dài Sài Gòn mưa, Đức vẫn đội mưa đến thăm Tuyền. Đoạn đường nhà chị Tuyền thường ngập và mỗi lần Đức chạy xe qua thì bugi xe thường hỏng.
Thế mà chẳng lúc nào Đức sai hẹn và lần nào chị Tuyền cũng phải dắt xe cho Đức đến chỗ sửa xe.
Sợ con gái khổ, mẹ ngăn cản nhưng Tuyền khóc với mẹ: "Con đã trót thương, nên sướng khổ con chịu. Dù anh ấy tàn tật, nhưng ý chí của anh ấy còn lớn hơn một người bình thường nhiều lắm".
Hơn 10 năm ngọt bùi, chị Tuyền cho rằng, Đức là một ông chồng kém lãng mạn. "Tội nghiệp ảnh. Đi làm lo cho vợ con không còn thời gian ngủ thì còn đâu lãng mạn được để mình đòi hỏi? Tôi nợ anh ấy nhiều lắm".
Đức bên tấm ảnh gia đình mình |
2- Con, niềm hy vọng!
Đức thuộc diện hiếm muộn nên phải dùng sự can thiệp của y học, mới có thể sinh con.
"Dù BV với các kết quả cho thấy thai nhi phát triển bình thường, nhưng tôi là nạn nhân chất độc da cam, tôi rất sợ bi kịch lặp lại.
Khi các con ra đời, lại một cặp song sinh, chúng bình thường, khoẻ khoắn, tôi đã khóc. Và nỗi lo vẫn cứ xảy đến với từng ngày con trưởng thành và đến giờ nỗi lo sợ đó gần như đã bị xoá", Đức nói.
Dù bận bịu, Đức vẫn dành cho các con những ngày cuối tuần trọn vẹn. Đưa con đi công viên chơi, nhưng chỉ dám vào những nơi… chơi miễn phí.
"Tôi sẽ dốc hết tuổi trẻ, sức lực của mình kiếm tiền cho con tôi học hành, kể cả sau này con đi du học. Tôi sẽ làm tất cả vì các con là niềm hy vọng lớn nhất của đời tôi"!
Đức cùng 2 con! |
3- Bà nội – người bà tâm lý!
Bác sĩ, anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung, nguyên Phó Giám đốc BV Từ Dũ vừa là người bà, vừa như người bạn của Đức.
Bà luôn hiểu tâm lý của anh em Đức. Luôn là người giải quyết những mâu thuẫn giữa Đức và mẹ, luôn lắng nghe và thấu hiểu.
Ngày Đức trưởng thành và bắt đầu yêu đương, đám nào cũng dắt về cho bà nội "xem mặt". Bà nội tôn trọng tình yêu của cháu nhưng đám nào muốn tiến tới hôn nhân, bà tìm hiểu rất kỹ. Cũng phải 4-5 đám, bà mới duyệt được người phụ nữ bên cạnh đời Đức lúc này.
Hiện bà nội đã nghỉ hưu nhưng vẫn đảm nhận công tác tại làng Hoà Bình. Làm việc cùng cháu, bà vẫn gần gũi, nhân từ như mấy chục năm qua trong suy nghĩ của Đức.
Bà nội của Đức. |
4- Mẹ Mười- người thân nhất cuộc đời!
Năm 1983, mẹ Mười bước vào cuộc sống của anh em Việt Đức, trở thành người mẹ đỡ đầu, người mẹ chăm sóc Việt đến cuối đời của Việt và lo lắng cho Đức đến cuối đời của mẹ Mười.
Ca mổ thành công, Đức tỉnh lại, người đầu tiên Đức nhìn thấy cũng là mẹ Mười. Bước đi đầu tiên của Đức, cũng được dẫn dắt bởi mẹ Mười.
Với những đồng lương dành dụm được, khi Đức tự lập, mẹ Mười cũng đã san sẻ để cho Đứt bớt vất vả thời gian đầu tự lập. Ngày cưới Đức, có một người phụ nữ khóc hạnh phúc, đó cũng chính là mẹ Mười.
Mẹ Mười khuyên nhủ vợ Đức cách chăm sóc chồng con. Mẹ Mười coi các con Đức như cháu nội mình và yêu thương chúng hết mực.
Số phận nghiệt ngã đã cướp đi của Đức người mẹ đặc biệt này. Mẹ Mười mắc bệnh ung thư và qua đời cách đây mấy năm.
"Lúc đó tôi đang đi công tác. Biết tin mẹ sắp mất, tôi vội vã từ nước ngoài về. Ngồi trên máy bay không thể yên. Về đến sân bay, tôi vội chạy đến. Lúc đó, mẹ không nói được gì nữa…".
"Cảm ơn mẹ đã tặng tôi một quãng đời tươi đẹp. Mẹ là ký ức của anh em tôi, là một phần lớn cuộc đời của tôi".
Mẹ Mười. Ảnh: Tư liệu. |
5- Anh Việt – "Anh vẫn còn đây, trong nhà tôi"
Có 8 năm sống chung một cơ thể, Việt ở lại trong ký ức của Đức là một người anh sôi nổi, "đáng mặt đàn anh".
Việt và Đức cùng sở thích mê bóng đá nhưng lại khác nhau về sở thích ăn uống. Chung một bụng như lại khác nhau cái… miệng, hôm người này ăn món này no thì người kia chỉ còn cách chịu sự tra tấn của bụng.
Đức thắp nén nhang trên bàn thờ người anh em song sinh. |
7 tuổi, Việt gần như sống thực vật. Đức nặng nề lê cơ thể chung và gần như rơi vào cô độc khi không còn ai nói cười vui vẻ.
Cuộc phẫu thuật thành công, người đầu tiên Đức chạy đến gặp trong bước đi tập tễnh sau hồi phục, chính là Việt.
"Tôi ôm mặt khóc. Anh tôi nằm đó, chẳng nói chẳng cười. Nhưng tôi hiểu trong ánh mắt ấy, là muốn nói với tôi nhiều điều. Và anh cứ im lặng thế, suốt 10 năm tiếp theo".
10 năm ấy, Đức mỗi ngày ở bên anh, kể cho anh nghe những câu chuyện ở trường ở lớp. Đức cảm nhận rất rõ niềm vui trong mắt anh mình.
Rồi đến một ngày, tuổi 18 của Việt, Việt sốt nặng. Đức đến bên cạnh, một dòng nước mắt chảy dài trên má Việt. Việt bỏ Đức đi. Cặp song sinh dính liền đã tách rời, mãi mãi.
"Tôi mang trong mình một phần cơ thể của anh tôi, tôi phải có trách nhiệm với điều thiêng liêng đó. Anh tôi vẫn sống đây, trong cơ thể tôi, trong ngôi nhà của tôi. Cảm ơn anh, đã tặng tôi cuộc sống…".
Hãy xem trọn vẹn câu chuyện cảm động từ những người đặc biệt đối với Đức, trong clip này:
Theo Hoàng Nguyên Vũ - Văn Chiến (Soha.vn/Trí thức trẻ)