Giữ lại 50% tiền xử phạt về môi trường là trái Luật ngân sách

26/05/2020 13:59:18

Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định sử dụng 50% tiền thu được từ xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý.

Sáng 26/5, trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) ra Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp. Chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Luật hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về bảo vệ môi trường…

Giữ lại 50% tiền xử phạt về môi trường là trái Luật ngân sách
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao”, Bộ trưởng phát biểu.

Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT).

Về thủ tục hành chính, ông Hà cho biết, Dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Bổ sung quy định về tần suất thanh tra BVMT (không quá một lần/năm đối với một tổ chức, cá nhân, riêng các đối tượng chấp hành tốt công tác BVMT là không quá một lần/02 năm liên tiếp, trừ trường hợp thanh tra đột xuất) để giảm phiền hà, chồng chéo cho doanh nghiệp.

Đối với khí thải, Dự thảo Luật đề xuất chuyển chức năng ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải từ Bộ GTVT sang Bộ TN&MT, không làm ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật chuyên ngành về giao thông vận tải. Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và lộ trình áp dụng quy định này cho các tuyến đường đã được xây dựng.

Bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong tờ trình của Chính phủ, song Uỷ ban KH, CN&MT lưu ý một số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau giữa Dự thảo Luật BVMT và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC), nhất là việc mở rộng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến phá vỡ nguyên tắc pháp chế.

Đặc biệt, Uỷ ban KH, CN&MT cho rằng, việc quy định sử dụng 50% tiền thu được từ việc xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT trên địa bàn quản lý là trái với Luật Ngân sách Nhà nước, cần cân nhắc.

HL (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật