Cuối chiều ngày làm việc đầu tiên (22/10) của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Theo đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người duy nhất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để Quốc hội bầu để đảm nhiệm chức vụ này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết vào 8h sáng mai (23/10), các đại biểu thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về nhân sự bầu Chủ tịch nước.
Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Việc bỏ phiếu và công bố kết quả diễn ra trong ngày 23/10.
Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều 23/10.
Không phải nhất thể hóa
Trước đó, chiều 3/10, tại Hội nghị Trung ương 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri ngay trước kỳ họp thứ 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự cảm ơn khi các cử tri đồng tình việc Trung ương giới thiệu ông để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Tổng bí thư khẳng định bây giờ không phải vì "nhất thể hoá" mà đây là tình huống. Không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi rất đột ngột, do bệnh hiểm nghèo, giờ khuyết chức danh này thì phải có người sớm thay thế.
Ông cho biết Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương thảo luận nhiều phương án. Qua quá trình thảo luận rất dân chủ, rất trách nhiệm, Trung ương thống nhất cao giới thiệu Tổng bí thư để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
"Chúng ta không nên nói Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế, 2 cơ quan khác nhau, kiêm vai nào chính, vai nào phụ thì không chuẩn. Cũng không nên nói nhất thể hoá, vì không phải nhất thể hoá mà nôm na là bầu cho một người để làm hai công việc", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư có đầy đủ điều kiện và uy tín
Chia sẻ với Zing.vn, ông Lê Quang Thưởng (nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương) cho rằng phương án Tổng bí thư làm Chủ tịch nước bảo đảm sự thống nhất của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tập quán quốc tế, công tác ngoại giao.
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đầy đủ điều kiện và uy tín làm Chủ tịch nước. Tôi tin Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành", ông Thưởng nói.
Chia sẻ quan điểm, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nhìn nhận trong tình huống này người giữ vị trí sẽ phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự bố trí khoa học, hiệu quả.
"Tôi tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí là người tiêu biểu, đáng tin cậy", ông Vũ Quốc Hùng bày tỏ.
Là người có 5 khóa tham gia Ban chấp hành Trung ương, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng đánh giá việc giới thiệu Tổng bí thư để bầu làm Chủ tịch nước là phương án tốt nhất và hợp lòng dân.
"Lịch sử của Đảng, Nhà nước từ giai đoạn đầu tiên, Bác Hồ từng làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Từ sau khi Bác mất năm 1969 cho đến nay, do nhiều yếu tố, điều kiện, chúng ta thôi không thực hiện nữa. Khi có cơ hội, chúng ta thực hiện việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là rất tốt", ông Vũ Mão phân tích.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, quê xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội; là giáo sư, tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng).
Ông là Ủy viên Trung ương 6 khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị 5 khóa VIII, IX, X, XI, XII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001); đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII.
Từ năm 1963 đến 1967, ông là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó công tác nhiều năm ở Tạp chí Cộng sản và giữ chức Tổng biên tập từ tháng 8/1991 đến tháng 8/1996.
Từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006, ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII.
Tháng 1/2011, ông được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Bí thư Quân ủy Trung ương. Đến tháng 1/2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông tiếp tục được bầu giữ chức Tổng bí thư.
Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)