Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước vào ngày 23/10

19/10/2018 11:13:02

Chiều 18/10, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước vào ngày 23/10. Cùng đó, trong kỳ họp lần này sẽ có nhiều điểm mới được áp dụng.

Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước vào ngày 23/10
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Cụ thể, sau khi được Quốc hội bầu, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức. Cùng đó, trong kỳ họp này, nhiều điểm mới sẽ được áp dụng. Theo đó, việc chất vấn sẽ khác đợt trước là không lẫn giữa thảo luận các báo cáo và chất vấn.

Điểm mới thứ hai là tại kỳ họp này, lần đầu tiên yêu cầu Chính phủ báo cáo 3 năm về đầu tư công để đánh giá, nhận xét thay vì để 5 năm như trước. Điểm mới nữa là Quốc hội phê chuẩn thông qua hiệp định CPTPP.

Trả lời các nội dung khác của báo chí, ông Phúc cho biết, Chủ tịch Quốc hội có nhắc về việc trong quá trình họp thì các đại biểu không tham dự liên hoan, tiệc tùng vì phản cảm. Vấn đề này thực hiện trên tinh thần nêu gương.

Về lấy phiếu tín nhiệm, Văn phòng Quốc hội tham mưu ngay từ đầu là lấy phiếu trước, chất vấn sau. Khi chất vấn chỉ chất vấn một số thành viên Chính phủ, có các thành viên khác không nằm trong diện chất vấn. Việc đánh giá không phụ thuộc vào chất vấn vì đánh giá là đánh giá từ đầu nhiệm kỳ tới giờ, đánh giá qua các cuộc tiếp xúc cử tri.

Về xử lý tài sản, các đại biểu Quốc hội đã bàn rất nhiều. Với trường hợp tài sản tăng thêm mà không giải trình được hợp lý thì vẫn có 2 luồng ý kiến. Phương án 1 cơ quan kiểm sát tài sản có quyền chuyển hồ sơ sang tòa để xử lý. Tòa sẽ tranh tụng, tranh luận để đảm bảo minh bạch, công khai. 

Phương án 2 là đánh thuế thu nhập với tài sản tăng thêm. Nhiều nước xác định tài sản này phải nộp thuế đã, sau đó các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xác minh mà thấy tài sản có vấn đề thì xử lý theo các luật khác như hình sự.

Trong kỳ họp này, dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, khai mạc vào ngày 22/10 và bế mạc vào ngày 21/11.

Kỳ họp thứ 6 sẽ xem xét các báo cáo đánh giá về: Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Quốc hội bàn bạc, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2021); Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020...

Về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thông qua 9 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước;

Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Nghị quyết về tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quốc hội Cho ý kiến 6 dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo Minh Anh (Giadinh.net.vn)