"Năm học trước, khi học lớp lá, có bữa 7h45 bé nhà tôi mới đến trường. Năm nay bé vào lớp 1, 5h30 tôi đã phải gọi bé dậy, vệ sinh, ăn sáng rồi đi học. Nhà trường quy định 6h45 học sinh phải có mặt ở trường, khiến cả phụ huynh và học sinh đều vất vả.
Thời gian đầu, ngày nào cháu cũng mè nheo: Con không đi học đâu, con muốn ngủ thêm..." - chị Lam, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Gò Vấp, TP.HCM), kể.
Bồng con còn ngủ vào lớp
Nhiều phụ huynh ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) cũng than thở học sinh tiểu học đang tuổi ăn tuổi ngủ mà 6h45 phải có mặt ở trường.
Anh Hùng, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính (Q.Phú Nhuận), nói: "Có bữa bé ngủ mê mệt, làm đủ mọi cách không được, vợ chồng tôi phải bế con lên xe chở đến trường. Sau đó, gọi bé vẫn không dậy, tôi đành bồng con vào lớp...
Vào lớp quá sớm khiến học sinh mệt mỏi, thiếu ngủ, nhưng buổi chiều mới 16h trường đã cho học sinh tan học. Giờ đó phụ huynh chúng tôi đâu đã tan sở làm?".
Hiện nay ở TP.HCM một số quận, huyện đã điều chỉnh giờ vào lớp cho học sinh tiểu học là 7h30 như Q.1, Tân Bình, Bình Thạnh..., nhưng nhiều quận, huyện khác vẫn ấn định 7h, tức 6h45 phải có mặt để truy bài, xếp hàng vào lớp.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đến - phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận - cho biết: "Phòng GD-ĐT quận không ấn định giờ vào học cụ thể cho tất cả các trường. Tùy vào điều kiện của trường, các trường sẽ chọn giờ vào học cho phù hợp. Riêng với Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính, 6h45 học sinh có mặt tại trường là để tránh kẹt xe, bởi tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi rất đông xe vào giờ cao điểm, khoảng từ 7h trở đi".
Không kịp ăn sáng
Tại Hà Nội, trừ một số trường tư thục có thể linh hoạt lùi giờ học buổi sáng khoảng 30 phút, còn hầu hết các trường công lập đều quy định học sinh phải có mặt ở trường lúc 6h45.
"7h bắt đầu vào tiết 1, học sinh phải có mặt trước đó 15 phút để ổn định, kiểm tra sách vở trước khi vào học" - một giáo viên Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) giải thích.
Để ngăn ngừa tình trạng học sinh đi học muộn, một số giáo viên còn ra "quy định riêng" với lớp mình, là học sinh phải có mặt vào 6h40!
"Từ nhà tới trường chỉ 5km, nhưng con phải dậy từ trước 6h mới kịp" - chị Yến, nhà ở khu đô thị Bắc Linh Đàm, có con học Trường THPT Thăng Long, cho biết.
"Con thường phải ăn trên đường đến trường, khi ngồi sau xe bố mẹ. Về mùa đông, con ngủ gật trên xe là bình thường" - chị Hà Anh, có con học lớp 8 Trường THCS Đống Đa, kể.
Cô Mai Hương - Trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn - cũng cho biết học sinh ở trường này có em phải đi quãng đường khá xa, chừng 10-15km. Vì thế, để đến được đúng giờ học (7h sáng) các em phải rời khỏi nhà rất sớm.
Vào những ngày mùa đông, có em rời nhà lúc trời chưa sáng hẳn, nên nhiều em không kịp ăn sáng, nhịn đói luôn đến trưa.
Tương tự, tại TP.HCM, hầu hết các trường THCS, THPT đều quy định 6h45 học sinh phải có mặt ở trường. Nhiều trường lấy luôn giờ này là giờ bắt đầu vào tiết 1.
TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):
Ngủ không đủ giấc, học sinh thiếu tỉnh táo
Nhu cầu được ngủ đủ giấc với học sinh, nhất là lứa tuổi học sinh trung học, rất quan trọng.
Nếu không ngủ đủ giấc, những đứa trẻ đang tuổi lớn sẽ không thể tỉnh táo, sáng suốt, tập trung cho việc học, mà uể oải, ngại hoạt động...
Những người thiếu ngủ thường xuyên có thể sinh ra chán ăn, sụt cân và nhiều vấn đề bất ổn khác.
Việc học sinh thiếu ngủ khi đến trường có nhiều nguyên nhân. Trong đó một phần do quy định chung về giờ học bắt đầu sớm.
Tình trạng học sinh ngủ gật trong giờ học, nhất là tiết đầu, khiến giáo viên rất vất vả. Càng mắng mỏ, ép buộc, ra lệnh thì học sinh càng căng thẳng. Bị căng thẳng dẫn tới chán học, sợ học cũng là yếu tố tác động, làm cho học sinh càng dễ buồn ngủ trong giờ học.
Vĩnh Hà ghi
Thế giới muốn đi học muộn
Vào tháng 5 năm nay, Singapore có một cuộc tranh cãi về giờ đi học. Hầu hết các trường tại Singapore bắt đầu giờ học lúc 7h30, nhưng trường nữ sinh Nanyang Girls’ High School đã gây chú ý khi dời thời gian vào lớp trễ 45 phút: 8h15. Lý do trường này đưa ra là học sinh cần ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe, có buổi sáng tỉnh táo.
Tại Trung Quốc, ở các thành phố lớn, phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải, học sinh thường đi học muộn (ít nhất 8h mới nhập học), và kết thúc lớp học vào khoảng 3h chiều, sớm hơn 2 giờ so với mặt bằng cả nước.
Cách thức bố trí thời gian này tương đồng với hầu hết các quốc gia châu Âu, khi giờ nhập học phải sau 8h sáng, và thường kết thúc lúc 14h30- 15h.
Riêng tại Phần Lan, quốc gia nhiều năm nay được ca ngợi về chất lượng giáo dục, có những trường mở đầu ngày học từ 9h-9h45 (mặt bằng chung là 8h-9h sáng), và kết thúc lúc 14h.
Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng khẳng định mốc vào học 8h sáng hiện nay là quá sớm, khuyến cáo các trường chỉ nên cho học sinh vào lớp sau 8h30.
Năm 2014, tờ Herald Sun cho biết bộ trưởng giáo dục Úc Martin Dixon ủng hộ việc linh hoạt giờ giấc vào lớp hơn.
Lấy ví dụ, trường điểm Melbourne High School cân nhắc giờ khởi đầu lớp học là 9h30, trong khi Trường Templestowe bắt đầu tận 10h30 sáng.
NHẬT ĐĂNG
Theo Hoàng Hương - Vĩnh Hà (Tuổi Trẻ)