Hôm 27/4, ông Phạm Văn Hiệp (Giám đốc BVĐK tỉnh Ninh Bình) thông tin trên báo Dân trí, hệ thống xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đơn vị mua, được UBND tỉnh cấp vốn từ nguồn ngân sách và được đấu thầu công khai, rộng rãi qua mạng, không chỉ định thầu.
Giám đốc BVĐK tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, hệ thống xét nghiệm bệnh viện mua là loại Real-time RT-PCR tự động Cobas 4800 do nước Thụy Sỹ sản xuất năm 2019. Bệnh viện thông báo giá gói thầu là 5 tỷ 980 triệu đồng. Công ty TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt đã trúng thầu với giá 5,9 tỷ đồng.
“Giá trị Hệ thống xét nghiệm Real-time RT-PCR bệnh viện mua có giá 5,9 tỷ đồng, không phải 8 tỷ đồng như các thông tin trên mạng và dư luận xôn xao. Ngoài giá trị của hệ thống xét nghiệm, cộng thêm các hạng mục đi kèm như tủ bảo quản, máy an toàn sinh học, máy khử khuẩn, các thiết bị khác… thì tổng giá trị mua sắm trang thiết bị là 7,8 tỷ đồng”, ông Hiệp nói.
Liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế này, BVĐK tỉnh Ninh Bình đã có báo cáo gửi Sở Y tế Ninh Bình để Sở này báo cáo UBND tỉnh cũng như Bộ Y tế.
Được biết, Hệ thống xét nghiệm Real-time RT-PCR mà BVĐK tỉnh Ninh Bình mua ngoài xét nghiệm virus SARS-CoV-2 còn có thể xét nghiệm viêm Gan B, C; HIV, Lao, ung thư… Khi mua hệ thống xét nghiệm này phía bệnh viện được tặng thêm 1.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 (trị giá khoảng 400 triệu đồng), đồng thời thời gian bảo hành hệ thống được kéo dài đến 3 năm.
Liên quan tới kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an xác định CDC Hà Nội mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR với giá 7 tỷ đồng, chênh gần 5 tỷ so với giá nhập khẩu. Qua tìm hiểu, ngoài Hà Nội còn có Quảng Nam, Quảng Ninh... cũng được cho là mua máy này với giá trên trời.
Cụ thể tại Quảng Nam, thông tin cho biết Sở y tế tỉnh này đã mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động với giá 7,5 tỷ đồng. Trao đổi với Báo Đất Việt sáng 24/4, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở y tế Quảng Nam đính chính "máy mua với giá 7,2 tỷ không phải là 7,5 tỷ như tin đồn".
Giải thích cụ thể hơn, Giám đốc Sở y tế Quảng Nam cho biết, các nơi đều mua máy móc với giá như vậy, trong khi đơn vị đang cần máy móc để phòng, chống bệnh dịch do đó phải mua.
"Khi thực hiện mua chúng tôi làm thủ tục, hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh cũng đã đồng ý với chủ trương của Sở. Tất cả các bước chúng tôi làm đúng quy trình, hồ sơ rất đầy đủ, không thiếu chi tiết nào", ông Hai cho biết.
Theo vị Giám đốc Sở, khi làm hồ sơ đơn vị đã căn cứ theo giá thị trường, cân nhắc, lựa chọn đơn vị cung cấp rẻ nhất để mua.
"Chúng tôi không thể biết giá đơn vị nhập khẩu về là bao nhiêu mà chỉ biết mua theo giá thị trường.
Tại thời điểm chúng tôi mua thị trường đang bán với giá như vậy, nhiều địa phương cũng mua máy với giá như vậy thì chúng tôi mua.
Trong vụ việc này, thật sự những cán bộ trong ngành y tế đang bị oan. Vì giả sử giá thị trường đang bán hiện là 2,3 tỷ, chúng tôi mua 7,2 tỷ thì mới là sai. Tuy nhiên, 2,3 tỷ là nhập về, không phải giá bán ra thị trường. Như vậy, làm sao chúng tôi mua được với giá 2,3 tỷ trong khi giá thị trường đang là 7-8 tỷ?", ông Hai nói.
Ông Hai khẳng định việc mua bán đã thực hiện đúng quy trình, quy định, không có hành vi lợi dụng để trục lợi.
"Không có chuyện chúng tôi lợi dụng dịch bệnh để mua máy với giá gấp 3 lần so với giá thị trường.
Nghe thông tin này cá nhân tôi cũng thấy rất khó chịu. Khi chúng tôi mua chúng tôi đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch, UBND tỉnh phê duyệt về mặt chủ trương, sau đó tiến hành khảo sát mặt bằng giá, so sánh, rồi mới lựa chọn đơn vị cung cấp, không có chuyện tự ý làm", ông Hai phân trần.
Tương tự, Quảng Ninh cũng là một trong các phương khác được biết đã mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR với giá 8 tỷ cao hơn so với giá trị thực tế.
Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cũng đã lên tiếng khẳng định đây là thông tin không chính xác.
Theo Sở Y tế Quảng Ninh, phía tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thanh quyết toán tiền mua máy xét nghiệm Realtime PCR tự động với nhà cung cấp. Tuy nhiên, phía nhà cung cấp khẳng định sẽ không lấy lãi so với giá của nhà nhập khẩu thiết bị này.
Dù chưa có giá nhập khẩu chính thức, song thông tin ban đầu của nhà cung cấp thiết bị đưa ra, giá của bộ thiết bị này (gồm máy xét nghiệm và bộ tách chiết mẫu) đều thấp hơn khoảng trên/dưới 2 tỷ đồng so với mức giá 7 tỷ đồng mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã mua sắm.
HP (Nguoiduatin.vn)