Video: Mô phỏng 13 phút lửa bùng phát trong hầm chung cư Carina
Liên tiếp các vụ cháy ở chung cư xảy ra sau thảm họa ở chung cư Carina Plaza vào cuối tuần trước khiến người dân chung cư lo càng thêm lo. Người đang tìm nhà mua ở cũng chùn tay. Báo chí bất động sản đăng tin giá chung cư chững lại. Những nhà đầu tư thở dài.
Nhưng người dân sống trong các chung cư thì không thể chỉ thở dài chờ mọi chuyện nguội đi.
Nhất là hàng ngàn người dân chung cư Carina Plaza vừa mới đây còn có căn nhà khang trang để mong về quây quần quanh bữa ăn ngon mỗi chiều, hay buổi tối cả gia đình cùng xuống sân, con tha hồ chạy tung tăng nghịch ngợm, cha mẹ dắt tay nhau đi bộ vòng quanh...
Dân chung cư, đi hay ở?
Đã một tuần trôi qua từ cái đêm khủng khiếp. Chỉ qua một đêm, cư dân Carina ngỡ ngàng thấy mình bỗng phải tay xách nách mang, bồng bế nhau đi tìm một chỗ ở tạm, trong khi căn nhà ấm cúng vẫn sờ sờ, ngay đó mà không thể bước vào. Có những bà bầu chỉ vài tuần nữa là sinh. Có gia đình một mẹ già, ba đứa con mà hai đứa sinh đôi mới 9 tháng tuổi. Nhiều đứa trẻ mới vài tháng tuổi đã lấm lem trong cuộc chạy thoát thân cùng mẹ. Có gia đình vợ bị mổ não hay chồng bị tai biến, đang phải ngồi xe lăn. Có gia đình đang vui mừng vì bán quán ăn đang phát đạt. Có gia đình đang chuẩn bị đón dâu về…
Bao nhiêu khó khăn khi cuộc sống hoàn toàn đảo lộn, trong khi công việc vẫn phải hoàn thành, con cái vẫn phải sáng sáng đưa đi học và chiều đón về (ngày trước đi một hai cây số, giờ đi cả chục cây), trong khi chiếc xe làm chân đã cháy trụi, trong khi phải chạy lo khai bảo hiểm xe cộ tài sản, lo giữ gìn phần tài sản còn lại trên nhà, lo chung cư sửa xong có đủ an toàn để về ở hay không. Có những gia đình quá sợ hãi nên vội vã bỏ tất, dọn sạch nhà cửa đi trong vòng vài ngày. Có người lập tức dán bảng cho thuê, mà tờ giấy cho thuê nhà trắng tinh oái oăm sao lại dán ngay lên lớp gạch ban công vẫn đang nhuộm khói đen ngòm, đến trớ trêu…
Nhưng đi đâu? Đi thì phải bán nhà. Bán cho ai, lỗ bao nhiêu, rồi có mua lại được nơi ở mới tốt bằng nơi cũ không? Những nhà đang trả góp, đang còn nợ tiền vay mượn mua nhà tiền đâu mà trả? Chuyển trường cho con hay sao, mà nơi làm việc đang gần nhà … Đến nỗi gần như ngày nào cũng ở dưới chung cư này, trò chuyện với cả trăm người, khi viết bài này tôi vẫn chỉ biết nhắc lại một câu rất nhàm chán: "Cứ đặt mình vào hoàn cảnh người dân, rồi mới hình dung nổi 1/10 những gì họ đang phải chịu".
Hôm qua, một người dân kể họ nhớ ngôi nhà của mình đến thế nào: "Nhớ quá, phải đi lên, mở cửa hít cái mùi thân thuộc một cái rồi lại đi xuống".
Con gái của anh Thuận ở block A-khu vực ảnh hưởng nặng nhất, cách đây mấy ngày còn bị sốc đến nỗi ba không dám chở con qua thì nay kêu nhớ nhà, đòi "về nhà mình đi ba". Có đứa ba mẹ chở qua ngang chung cư thì mừng lắm, la um sùm: "Nhà mình kìa ba".
Chúng tôi ngồi trong căn nhà của anh Thuận trên lầu 8. Dựa trên chiếc sofa êm ái, duỗi thẳng đôi chân mỏi vì leo suốt nhiều tầng gác nhiều lần. Lúc tháo chạy, anh không đóng cửa nhà nên khói vào rồi lại ra, tường và sàn không nhiều khói bám. Căn nhà có bàn tay kiến trúc sư thiết kế nên rất tiện nghi. Phóng tầm mắt xa xa thấy xe cộ chạy vui mắt trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Những chiếc giá sách uốn lượn trên tường phòng ngủ, gấu bông, đồ chơi và mấy chiếc nệm màu hồng.
Anh Thuận đi lại quanh nhà, trìu mến chạm vào từng chiếc giá sách, chiếc tủ, chiếc bàn... Người đàn ông dầu dãi là chỗ dựa của cả gia đình, từng quyết đoán đến nỗi khi không thể chạy ra khỏi đã quyết định bằng mọi cách cứu được ít nhất một trong hai đứa con, còn cha mẹ thì chuẩn bị chết, giờ không thể giữ đôi mắt khỏi đỏ hoe. Đây là mái ấm của gia đình anh, với biết bao công sức và niềm âu yếm đổ vào nó. Từng góc nhà đều vương vấn sự chăm chút và yêu thương. Làm sao anh có thể dễ dàng bỏ nó mà đi.
Nhưng nỗi sợ vẫn còn hiển hiện quanh đây, trong những vệt khói bám đặc trong nhà tắm, trên tường đen ngòm của hành lang, trên bàn thờ những người đã khuất dưới sân chung cư luôn văng vẳng tiếng kinh cầu.
Tiếp tục sống, dĩ nhiên rồi, nhưng làm cách nào để sống an tâm, không bị kinh sợ một lần nữa?
Đòi quyền được an toàn
Chung cư Carina đối diện với chung cư City Gate qua đại lộ Võ Văn Kiệt, có hẳn một cây cầu vượt nối hai bên. Dân cư hai bên coi nhau là hàng xóm, nhiều gia đình con cái ở bên này, cha mẹ hoặc cô dì chú bác ở bên kia. Có những đôi bạn bè cởi truồng tắm mưa với nhau từ bé, giờ nhà bên này thấy ban công nhà bên kia, chiều chiều ra đứng cửa sổ (dùng alô) hú nhau đi nhậu cũng kịp.
Chung cư bên này cháy, chung cư bên kia chấn động. Đêm 23/3, cư dân bên này dồn hết ra cửa sổ và khu hồ bơi kinh hãi nhìn những ánh đèn điện thoại đang huơ lên cầu cứu, những cánh tay vẫy trong tuyệt vọng, tiếng khóc gào kêu cứu …
Hãi hùng chứ. Nhưng họ không ngồi yên. Cư dân City Gate có cách làm rất hay: chủ động tìm cách bảo vệ mình.
Ban quản lý nhanh chóng tổ chức tập huấn kiến thức PCCC cho cư dân. Trước kia kêu gào mấy những cuộc này cũng lưa thưa người tham gia, thì nay cư dân gọi nhau dự đông nghẹt. Những phụ nữ tự nguyện lên tập khóa bình ga đang xì ra ngọn lửa nhìn phát khiếp, khóa xong thấy mình giỏi quá, le lưỡi ra cười chạy về chỗ. Có người cha đứng hẳn lên ghế chăm chú quay lại bằng điện thoại để cho con gái đi làm về xem. Có người mẹ bồng đứa con chưa đến một tuổi, nghe tiếng bình ga xì ra xào xào thì quay đi kêu sợ quá, xong vài giây sau lại mở to mắt nhìn kỹ. Ai cũng đang thấy mình không được chủ quan nữa.
Cư dân báo cho nhau kiểm tra kỹ càng các lối thoát hiểm, soi từng đầu phun nước, đầu báo khói, họng nước cứu hỏa, khe hở cửa chặn khói, bảng chỉ dẫn, đèn tự sáng, bảo vệ bãi xe có hút thuốc trong tầng hầm hay ngủ gật trong giờ làm việc hay không, có quẹt thẻ giùm cho người lạ vào chung cư không, xe đậu có đúng chỗ, có ngáng đường thoát hay không, có ai bỏ rác hay đặt vật dụng nhà mình ra hành lang chung hay chắn các lối thoát hiểm hay không…
Bà con còn lập hẳn ra 4 tổ SOS cho 4 block, gồm những người trẻ khỏe, có kiến thức cứu hộ và PCCC, sẽ có trách nhiệm cứu hộ nội bộ khẩn cấp ban đầu khi có sự cố. Đội hoạt động hoàn toàn tình nguyện nhưng bài bản, đã tự trang bị bộ đàm để liên lạc. Dễ thương nữa là nhiều cư dân biết được tin này thì muốn góp tiền để đội có thêm kinh phí mua trang bị và tập huấn, nhưng anh đội trưởng dứt khoát không nhận khi đã chấm dứt đợt quyên góp đầu tiên.
Thông tin về các kỹ năng PCCC, cứu hộ cũng được cư dân chia sẻ cho nhau thường xuyên trên mạng xã hội. Cư dân thiết lập "đường dây nóng" với đội trưởng đội bảo vệ và Ban quản lý chung cư, để chắc chắn hai bên nắm được sớm nhất những gì gây bất an rồi giải quyết nó. Họ cương quyết đòi hỏi những quyền lợi chính đáng. Mọi việc làm chung tay cho sự an toàn của cộng đồng khiến cư dân an tâm và gần gũi nhau hơn rất nhiều.
Vậy đó, cư dân chung cư ơi! Nên học tập cách làm này và bình tĩnh mà sống nhé.
Sống trong chung cư là xu hướng của tất cả những đô thị lớn vốn có quỹ đất ít ỏi, nhưng sống trong chung cư cũng cần phải học cách.
Qua tai nạn vừa rồi, các chủ đầu tư, ban quản lý chung cư, cao ốc và cơ quan PCCC đều đang phải hết sức nghiêm cẩn với trách nhiệm của mình. Cư dân chung cư càng cần hiểu rõ, thực hiện và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình cho một cuộc sống bình an lâu dài với tất cả.
Theo Hoàng Xuân (Trí Thức Trẻ)