Video: Chủ đầu tư Carina nhập viện, từ chối giấy triệu tập
Người đàn ông ngồi lặng im nơi góc sảnh. Anh là Phan Văn Thuận, một trong những người may mắn thoát chết sau vụ cháy kinh hoàng Carina.
Hình ảnh chiếc dép của một đứa trẻ nằm chỏng chơ giữa những mảnh gạch đá đã vụn nát, những con gấu bông lạc lõng vất vưởng giữa hành lang, những ngôi nhà ám khói… vẫn trở thành nỗi ám ảnh của những người ở lại.
Một tuần đã trôi qua từ sau vụ cháy thảm khốc nhưng với cư dân Carina như anh Thuận, đó là những kí ức sẽ theo họ suốt cả cuộc đời.
Lửa đã tắt nhưng 13 con người đã vĩnh viễn ra đi…
Mình không về nhà được không ba?
Đây là lần thứ hai, anh Thuận trở về chung cư để làm lại biên bản về việc cháy xe. Nhà anh có hai chiếc xe, cháy rụi hết. Mấy hôm rồi, anh phải mướn xe bạn bè để có phương tiện đi lại.
“Trước đó tôi xem báo đài nên tôi biết xe nhà mình cháy hết rồi, nhà ở block nào thường sẽ đặt gần đó để tiện đi lại mà. Nhưng vợ tôi cứ hi vọng, cô ấy chạy xuống tìm, tìm mãi. Cháy rụi, cháy sạch. Xe mình đi mình biết mà, quen lắm, giờ còn cái biển số thôi. Nhưng thôi, còn người là tốt rồi!”, anh Thuận cúi đầu, đôi bàn tay buông thõng.
Hiện tại, gia đình anh và hai hộ nữa đang thuê tạm một ngôi nhà cách chung cư chừng cây số để ở tạm, mỗi tháng hơn chục triệu, cọc 2 tháng, trả trước 1 tháng tiền nhà. Mấy hôm nay vợ chồng anh phải nghỉ việc để đi tìm nhà, làm thủ tục về việc cháy xe…
“Nhà hỗ trợ đã hết chỗ nên chúng tôi phải mướn ở ngoài, tìm mãi mới được căn nhà hiện tại, tìm cực lắm, ở tạm 3 tháng rồi tính tiếp. Ban đầu tính ở 4 hộ 16 người, giờ cháy vậy tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy nhưng khi đến đưa chứng minh thư, họ không cho. Họ bảo nếu cho mướn chỉ cho 6-10 người. Hôm sau, bả trả lại tiền cọc, hủy hợp đồng, lại đi thuê tiếp. Cực lắm!”
Nhưng anh bảo thương nhất là hai đứa trẻ con. Nhà anh mua từ năm 2014, đến bây giờ vẫn còn nợ tiền. Hai đứa trẻ lớn lên tại chung cư này, biết bao nhiêu kỉ niệm. Đi đâu xa, có vui đến đâu nhưng cứ tối là hai đứa lại đòi về nhà. Đến cả ngày Tết về quê chơi mấy bữa, bé út đã ôm cổ anh nũng nịu: “Con nhớ nhà, bao giờ mình về hả ba?”. Vậy mà từ sau vụ cháy, con bé khác hẳn. “Hôm rồi, ghé chung cư lấy đồ, con bé cứ ôm chặt tôi bảo: Ba ơi, mình không về nữa được không ba. Nghe mà chạnh lòng! Mình có mỗi căn nhà đó, không ở đó thì đi đâu”.
“Vợ em cũng không chịu về anh ạ. Vợ em cứ đòi về ngoại, bả sợ rồi!”, người thanh niên ngồi kế, lắc đầu. Chị Phấn, kể chuyện nhà chị ở block C phát hiện sớm nên may mắn thoát nạn. “Tội nhất là mấy đứa trẻ. Nhà kế có bé, nửa đêm thức dậy đi vệ sinh, nó quíu người lại, hốt: “Lại chạy tiếp hả ba? Xót lắm!”
Không thể sửa cho có rồi bàn giao!
Cư dân Carina rất nóng lòng trở về nhà mình nhưng nguyện vọng của mọi người là ngôi nhà đó phải đảm bảo an toàn.
"Nhà để ở cả đời chứ không phải ngày một ngày hai. Cháy tầng hầm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của toà nhà. Chưa có kết quả giám định mà sửa chữa tầm bậy tầm bạ qua loa, trát vữa sơn tường bóng nhoáng lên rồi la lên là đã khắc phục xong. Làm phải đúng quy trình, như mấy hôm rồi, nếu muốn sơn lại thì những chỗ tường mục nứt, bong tróc do mưa nắng thì phải chà kĩ lại, những chỗ bụi bặm thì lau chùi lại, chỗ khuyết thì trám bột lại, lăn sơn đi. Còn ở đây người ta không làm chỉ sơn phết lên luôn. Làm ẩu, ở được vài năm nó sập là chết”, một cư dân Carina nói.
Cũng phải nghỉ việc hơn tuần nay để thu xếp nhà cửa sau vụ cháy, mấy ngày nay, anh Nguyễn Văn Quyết và vợ quay lại chung cư để dọn hết đồ sang chung cư đối diện ở tạm.
Nhìn thấy bức tường đang sơn dang dở, anh Quyết bức xúc: “Cháy lớn vậy ảnh hưởng nhiều chứ. Muốn sửa chữa gì phải kiểm tra, lên danh sách. Phải sửa bài bản, đúng theo trình tự thi công xây dựng, chứ không phải đùng đùng đưa vào người sửa. Khi chủ đầu tư sửa phải có đơn vị giám sát, chứ không phải như những ngày vừa rồi.
Như cái hầm giữ xe, lệnh khởi công gói thầu sửa chữa hầm trong 20 ngày. Tôi nói, hư hỏng hầm như vậy, 20 ngày đâu làm được gì, nói chỉ dọn dẹp, vệ sinh thì được chứ sửa chữa sao kịp?
Toàn bộ hệ thống điện, hệ thống thông gió, cấp nước, thoát nước hư hết…Tầng hầm này, một nửa cháy trực tiếp rất nặng, một nửa bị ảnh hưởng. Họ làm giống như trò hề cho con nít vậy. Thậm chí họ muốn đổi màu sơn, họ cũng phải vệ sinh, lau sạch bụi ám khói rồi mới sơn lên, đến một động tác tối thiểu như vậy họ cũng không làm”, anh Quyết nói.
Theo Song Trà (Pháp Luật TPHCM)