Ba ngày trước, chồng của chị O.T.D. (26 tuổi, Hà Nội) có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Cả gia đình đều bất ngờ vì trước đó đã phòng dịch rất kỹ lưỡng. Một ngày sau, cả D. và con gái 5 tháng tuổi cũng trở thành F0.
Người chồng bắt đầu có biểu hiện sốt, ho, rát họng, D. bối rối, không biết cách xử trí. Người phụ nữ này tìm hiểu thông tin trên các hội, nhóm và nhận thấy rất nhiều người không phải bác sĩ, dược sĩ nhưng vẫn bán thuốc cho F0.
"Tôi bị 'ngộ độc' thông tin về các loại thuốc cần cho điều trị Covid-19. Tôi mong những ai không có chuyên môn xin đừng bán thuốc. Khi trở thành F0, rất nhiều người bị hoang mang như tôi, không có thời gian tìm hiểu và mua theo. May mắn, tôi đã liên hệ được với một bác sĩ để nhờ tư vấn", O.T.D. chia sẻ trên Tri Thức Trực Tuyến.
Bên cạnh đó, một số người bệnh trong nhóm này phán ánh có tình trạng mạo danh bác sĩ và nhắn tin chèo kéo chữa bệnh.
M.L. (Hà Nội) cho biết có người đã trả lời bình luận, nhắn tin và tự xưng là bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương muốn đến khám bệnh trực tiếp sau khi chị đăng bài viết hỏi về phương án điều trị cho người nhà trên nhóm "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà".
"Đã 0h nhưng người này vẫn nhắn tin cho tôi và hẹn ngay sáng hôm sau sẽ đến khám cho người nhà của tôi đang mắc Covid-19. Họ còn nói sẽ phải điều trị lâu dài. Sau khi thấy tôi nghi ngờ, người này đã xóa bình luận.
Có rất nhiều tin nhắn mạo danh bác sĩ, dược sĩ hướng dẫn điều trị hoặc 'mách thuốc' đều có khả năng là hành vi lừa đảo. Không tỉnh táo do đang lo lắng cho người thân mà tin lời chúng có thể gặp hậu quả khôn lường", chị M.L. nói.
Chia sẻ trên group facebook "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà", Ths.BS Trần Quang Phú, khoa Bỏng người lớn, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, quản trị viên của nhóm, cảnh báo: "Hiện có nhiều bình luận lôi kéo vào thành viên vào các nhóm điều trị khác, có cá nhân lợi dụng để bán thuốc, vật tư và quảng cáo. Chúng tôi mong các thành viên thận trọng".
F0 cần chuẩn bị thuốc gì khi điều trị tại nhà?
Chia sẻ trên báo Tri Thức Trực Tuyến, TS Hoàng Thanh Tuấn, Viện Bỏng quốc gia, người sáng lập "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà", cho biết khi là F1 hoặc F0, người dân cần dự phòng một số thuốc, trang bị vật tư để đảm bảo cách ly và tự điều trị.
Về thuốc dự phòng, người dân cần chuẩn bị thuốc hạ sốt (Efferalgan, Panadol); nhóm thuốc chữa ho; thuốc tiêu chảy; nước súc miệng; cồn sát trùng; các thuốc bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần); thuốc xịt mũi; vitamin C, kẽm, thảo dược trị cảm, trị ho; nước uống, nước bù điện giải.
Nước uống và nước điện giải rất quan trọng khi bạn bị sốt và mắc Covid-19. Uống đủ lượng nước cần thiết có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài.
Đây là các thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào và người dân có thuốc để dùng ngay. Đặc biệt, bệnh Covid-19 hay biểu hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có.
Vật tư y tế cần có bao gồm nhiệt kế, máy đo SpO2, que test nhanh, khẩu trang, găng tay, các máy theo dõi bệnh nền. Những vật tư này cần thiết để người dân tự cách ly, theo dõi cho mình và người thân.
Ngoài ra, TS Hoàng Thanh Tuấn cho hay người dân không nên dự phòng và tự điều trị các thuốc như kháng sinh, kháng viêm, kháng virus. Mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hóa và phù hợp với từng bệnh nhân nên người dân không tự mua và dùng thuốc, sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, người dân cũng nên chuẩn bị đủ lương thực cho thời gian cách ly (nếu ở một mình); dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn; giấy vệ sinh, khăn giấy, quần áo thoải mái; nơi cách ly đảm bảo quy định; phương tiện giải trí tại nhà; số điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực và phòng cấp cứu; tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng, chống dịch.
Những lưu ý khi tự điều trị Covid-19
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, người dân hiện nay như rơi vào "ma trận" về các loại thuốc đặc trị, thảo dược, thực phẩm chức năng phòng Covid-19.
Ông cho hay trong quá trình điều trị, người dân nên cân nhắc việc có dùng kháng virus hay không. Hiện nay, Favipiravir đã được Bộ Y tế hướng dẫn đầy đủ về cách dùng. Thuốc Molnupiravir đã bắt đầu được bán tại một số nhà thuốc. Người dân nên lưu ý các chống chỉ định và dùng thêm bổ gan thảo dược.
Khi bị sốt, F0 cần uống thuốc hạ sốt, bù đủ nước và điện giải. Bị ho khan, người dân nên dùng thuốc giảm ho. Trường hợp ho có đờm nên hỏi bác sĩ. Nếu mất ngủ, F0 có thể dùng Melatonin, Magne-B6 và thảo dược an thần như Mimosa.
Với các thuốc đang điều trị dài ngày, người bệnh vẫn dùng bình thường, không bỏ thuốc. Với vitamin tổng hợp, F0 chỉ sử dụng một viên mỗi ngày là đủ. Ngoài ra, bệnh nhân cần đảm bảo ăn uống và nghỉ ngơi tốt, vận động nhẹ nhàng, không đọc nhiều tin tức tiêu cực.
Các loại thảo dược, thực phẩm chức năng để tăng đề kháng, F0 có thể không dùng. Nếu vẫn có thể ăn uống, đa dạng thực phẩm, chúng sẽ tốt hơn việc sử dụng thực phẩm chức năng.
"Trong quá trình tư vấn, điều trị cho F0, tôi nhận thấy rất nhiều người chỉ ho khan cũng sử dụng kháng sinh, thậm chí kết hợp nhiều loại. Đau họng do virus chỉ cần mật ong, giảm ho bổ phế thảo dược hoặc thuốc Alpha Choay.
Nếu ho khan kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ, thậm chí đau bụng, ngoài dùng mật ong, bổ phế, người bệnh chỉ cần dùng thuốc hoặc siro có một trong 2 thành phần: alimemazin hoặc diphenhydramin.
Ngoài việc ảnh hưởng gan, thận, về mặt vĩ mô, lạm dụng kháng sinh sẽ khiến tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam trở nên tồi tệ hơn", bác sĩ Huy Hoàng nói.
Với thuốc kháng đông, kháng viêm, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, chỉ khi Sp02 dưới 96, nhịp thở trên 20 lần/phút, bác sĩ mới kê đơn cho dùng một ngày, trước khi nhập viện.
Vì vậy, theo bác sĩ Hoàng, F0 tại nhà không cần quan tâm đến thuốc kháng đông, kháng viêm corticoid. Nếu tình hình chuyển biến nặng, người bệnh cần nhập viện để được điều trị đúng cách.
F0 điều trị tại nhà làm xét nghiệm thế nào, có cần xét nghiệm PCR không?
Thông tin trên Infonet, BS Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết F0 theo dõi, điều trị tại nhà không nhất thiết phải làm xét nghiệm nhiều, chỉ thực hiện sau 7 ngày khi phát hiện dương tính.
Nhiều người khi biết mình là F1 đã vội vàng xét nghiệm ngay. BS Khanh cho rằng khi bạn tiếp xúc với F0 chưa cần xét nghiệm ngay mà nên xét nghiệm ở ngày thứ 3, khi có triệu chứng thì mới xét nghiệm. Còn vừa tiếp xúc với F0 và test ngay đã dương tính thì bản thân bạn đã nhiễm Covid-19 chưa chắc là lây từ F0 đó mà lây từ người khác.
Trong quá trình điều trị, với bệnh nhân Covid-19 việc xét nghiệm lại để biết người bệnh đó có thể xuất viện được hay không (nếu ở trong bệnh viện), còn theo dõi tại nhà để xem F0 đó có thể hoà nhập được chưa. Xét nghiệm không thể nào nói rõ bệnh nặng hay nhẹ mà chỉ là để xem người đó còn có khả năng lây cho người khác hay không.
Thời gian xét nghiệm trong ngày, không cần phải vào buổi sáng mới cho kết quả xét nghiệm chính xác. Chú ý khi xét nghiệm cần lấy mẫu đúng.
Độ đậm của vạch T để ước đoán được tương đối ở giai đoạn nào. Nếu ở giai đoạn đầu thì vạch T rất đậm nhưng sau đó giảm dần. Tuy nhiên, BS Khanh cho rằng vạch T đậm hay mờ cũng chỉ là tương đối vì khi vạch T đậm là nồng độ virus ở trong hầu họng của bạn quá nhiều. Còn khi vạch T mờ hoặc mất dần là do nồng độ virus của bạn thấp.
F0 theo dõi tại nhà không nên test nhiều chỉ cần test lại sau 7 ngày vì nồng độ virus chỉ thay đổi ở ngày thứ 7. Còn người nào tự test hàng ngày mong âm tính thì chỉ tốn test.
Nếu bạn âm tính xong xét nghiệm lại dương tính thì không cần lo. Thực tế, trong vòng 1, 2 tháng làm xét nghiệm âm tính và dương tính lại hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân là do lần đầu bạn test lấy vị trí không có virus nên âm tính, sau đó xét lại dương tính không cần hoang mang.
Nếu bạn xét nghiệm lại dương tính nhưng không còn triệu chứng của bệnh, qua 10 ngày thì bạn có thể đi làm lại nếu cơ quan không cho bạn nghỉ thêm. Khi đi làm lại bạn vẫn cần đeo khẩu trang và thực hiện 5K.
Trong quá trình điều trị bệnh, nhiều người lo lắng không biết có cần làm xét nghiệm PCR hay không? Bác sĩ Khanh cho rằng tuỳ từng yêu cầu của cơ quan nếu họ đòi có giấy xét nghiệm PCR thì mình làm, còn không thì chỉ cần test nhanh là được không cần phải xét nghiệm PCR. PCR chỉ dành cho bệnh nhân nằm trong bệnh viện.
Lưu ý khi tự xét nghiệm để có kết quả đúng tránh những sai sót có thể xảy ra như đưa que lấy dịch chưa tới vị trí lấy mẫu. Cây lấy dịch bị gập nên không thể tới điểm lấy dịch. Khi lấy dịch nên đưa từ từ, mình tự làm nếu thấy nóng rát ở điểm lấy mẫu thì sẽ đưa que ra. Khi lấy test nước bọt thì cố gắng lấy ở phần gầm lưỡi vì đây là nơi có rất nhiều virus. Nếu lấy mẫu cho trẻ nhỏ nên giữ đầu của trẻ thật chặt để tránh sai sót lúc lấy mẫu.
Dấu hiệu nhận biết F0 gần khỏi bệnh
BS Khanh cho rằng khi bạn test nhanh Covid-19 lên hai vạch sẽ có nhiều trường hợp xảy ra. Có người thì không có triệu chứng gì như người bình thường, có người thì ho, sốt, đau mỏi người giống cảm cúm, có những người sốt cao trên 38,5 độ C, gai rét, ớn lạnh, sốt cao tức ngực…
Tuy nhiên, các triệu chứng này đa phần là giảm đi sau 3 đến 5 ngày. Và từ 5 ngày trở đi người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng mất vị giác, khứu giác. BS Khanh cho biết F0 không cần lo vì mất vị giác, khứu giác là giai đoạn cuối của bệnh Covid-19, các triệu chứng sẽ mất hẳn.
Sau đến giai đoạn “viêm” giai đoạn này thường từ ngày thứ 7 đến 10 ngày. Lúc này, bạn theo dõi nồng độ oxy máu, nhịp thở của mình hàng ngày. Trường hợp người có bệnh nền, tiêm chưa đủ mũi vắc xin, người trên 60 tuổi ngày đo Spo2 hai lần để kiểm tra nồng độ oxy máu. Nếu Spo2 dưới 95% bạn nên liên hệ cơ sở y tế để hỗ trợ.
F0 âm tính vẫn ho kéo dài xử trí thế nào?
Bên cạnh tình trạng sốt thì ho cũng là một trong những biểu hiện thường gặp của bệnh nhân mắc Covid-19. BS Nguyễn Huy Hoàng cho biết, ho, về bản chất là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp.
“Tuy nhiên, ho nhiều quá gây mệt, gây khó ngủ thì cần điều trị. Chúng ta cần phân biệt 2 loại, ho khan và ho có đờm, vì cách xử lý sẽ khác nhau”, BS Huy Hoàng lưu ý.
Theo đó, nếu ho khan, thường do nhiễm virus, gây kích ứng đường hô hấp. Ho có đờm, thường do có bệnh mạn tính về đường hô hấp hoặc do nhiễm vi khuẩn.
Ho khan thì có thể dùng thuốc giảm ho. Ho có đờm thì không nên dùng thuốc giảm ho, mà nên dùng thuốc long đờm.
Các thuốc giảm ho gồm:
1. Mật ong, bạc hà và các thuốc bổ phế, làm giảm kích thích đường hô hấp.
+ Bổ phế Nam Hà, các loại bổ phế khác, Prospan...
2. Thuốc giảm ho bằng cách ức chế trung khu hô hấp:
+ Hoạt chất codein:
Codein có tác dụng giảm ho do ức chế trực tiếp trung tâm ho, nhưng làm khô và tăng độ quánh của dịch tiết phế quản. Khi bào chế thường kết hợp với terpin để làm loãng dịch tiết đường hô hấp. Dùng codein trong trường hợp ho khan gây khó chịu, mất ngủ và trong các chứng đau nhẹ và vừa.
Chống chỉ định: trẻ em dưới 1 tuổi, bệnh gan, suy hô hấp, phụ nữ có thai . Tuy nhiên BS Huy Hoàng cũng lưu ý, codein làm khô đường hô hấp, tăng độ quánh của dịch tiết phế quản.
+ Hoạt chất dextromethorphan... Do ức chế trung tâm ho, dextromethorphan có tác dụng chống ho tương tự codein, nhưng ít gây tác dụng phụ hơn.
Dextromethorphan không gây nghiện, không có tác dụng giảm đau và rất ít tác dụng an thần. Dextromethorphan chỉ định tốt trong trường hợp ho khan, mạn tính.
Loại hoạt chất này cũng chống chỉ định: quá mẫn với thuốc, trẻ em dưới 2 tuổi, đang điều trị bằng thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO) .
Thận trọng: người có nguy cơ hoặc đang suy giảm hô hấp, tiền sử bị hen, dị ứng.
Ngoài ra, trong nhóm này còn có hoạt chất pholcodin, noscapin...
3. Thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin thế hệ cũ:
+ Hoạt chất alimemazin (siro Theralene hoặc các loại siro tương tự)
+ Hoạt chất diphenhydramin (siro Benadryl hoặc các loại tương tự).
Chỉ định: các chứng ho khan do dị ứng, do kích thích, nhất là về ban đêm.
Các thuốc nhóm 3 này gây buồn ngủ.
Các thuốc long đờm:
Có 2 loại, là làm tăng dịch tiết đường hô hấp, và làm tiêu nhầy, loãng đờm.
1. Các thuốc làm tăng dịch tiết
Là chất kích thích niêm mạc dạ dày hoặc bản chất là tinh dầu, có tác dụng kích thích các tế bào niêm mạc đường hô hấp tăng tiết dịch:
+ Hoạt chất Guaiphenesine, Terpin, Eucalyptol,...
Khi dùng các thuốc này cần uống nhiều nước.
2. Các thuốc tiêu nhầy:
+ Hoạt chất N-acetyl cystein: Acemuc hoặc các loại tương tự có cùng thành phần.
+ Họa chất ambroxol: Bisolvon hoặc các loại tương tự.
+ Hoạt chất bromhexin: Mucosolvan hoặc các loại tương tự.
Lưu ý khi sử dụng các thuốc long đờm loại tiêu nhầy:
+ Thuốc có thể gây co thắt phế quản nên chống chỉ định cho người hen phế quản.
+ Thuốc làm tiêu màng nhầy bảo vệ dạ dày nên có thể làm bệnh nhân dạ dày tá tràng bị nặng hơn.
Không dùng các thuốc long đờm quá 10 ngày trừ phi có chỉ định của bác sĩ.
NT (Nguoiduatin.vn)