Để kiểm soát dịch bệnh trong quá trình các F1 đi làm, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng các trường hợp này cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K. Cùng với đó, không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai).
Chấp nhận để miễn dịch cộng đồng
"Điều này cũng được Bộ Y tế lưu ý trong đề xuất. Đó là khi làm việc trong môi trường văn phòng, hay công xưởng, nhà máy, xí nghiệp các trường hợp F1 cũng phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn và giữ khoảng cách với các đồng nghiệp để giảm nguy cơ lây bệnh nếu trong trường hợp người đó đang trong giai đoạn ủ bệnh" - PGS Trần Đắc Phu nói.
Theo PGS Trần Đắc Phu, hiện cơ bản người dân đã được tiêm ít nhất 2 liều vắc-xin và các địa phương cũng đang tiêm mũi nhắc lại và mũi bổ sung. Như vậy, các trường hợp F1 đã tiêm ít nhất 2 liều vắc-xin thì nên cho phép đi làm trực tiếp. Với cơ quan, xí nghiệp có nhiều F1 đi làm, nếu có điều kiện thì có thể phân chia khu vực làm việc cho các trường hợp này để hạn chế tiếp xúc với các trường hợp khác. Còn trường hợp làm việc trong không gian hẹp cần mở cửa thông thoáng và hạn chế tiếp xúc gần. Khi các F1 có dấu hiệu của bệnh thì cần thông báo cho cơ quan, đơn vị để tạm cách ly, sau đó thực hiện xét nghiệm.
PGS Trần Đắc Phu cho biết với tốc độ bùng phát như hiện nay, chủng Omicron sẽ dần thay thế biến thể Delta. Triệu chứng của Omicron nhẹ hơn, nên việc thay thế biến thể Delta sẽ tốt hơn. Nhưng như vậy không có nghĩa để cho lây nhiễm tràn lan không kiểm soát, mà chúng ta phải cảnh giác không để dịch bùng phát quá cao, lúc đó sẽ gây ra quá tải hệ thống y tế, ca bệnh nặng sẽ nhiều và nguy cơ tử vong sẽ cao.
"Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Việc ngăn cản biến thể Omicron lây lan rất khó khăn nhưng chúng ta phải hạn chế tốc độ để cho việc lây nhiễm chậm lại, chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh. Tức là chúng ta chấp nhận việc lây nhiễm chậm trong cộng đồng, lây càng nhiều thì miễn dịch cộng đồng càng nhanh nhưng phải hạn chế tốc độ lây để không quá tải hệ thống y tế và phải kiểm soát ở mức độ nhất định" - PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Giám sát chặt chẽ
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết mới đây Bộ Y tế đã tham khảo ý kiến về việc cho F1 đi làm trực tiếp, không phải cách ly, tỉnh Bình Dương đề xuất không nên cách ly vì nó không phù hợp, bởi hiện đa phần người lao động đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin. Tuy nhiên, phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K.
Một doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương cho biết nếu phát hiện ca F0 trong công ty thì những F1 sẽ được bố trí cho làm cùng nhau, khi có triệu chứng thì test ngay hoặc cứ 3 ngày test 1 lần, còn những người thuộc diện F1 bên ngoài nhà máy thì khó kiểm soát.
Trên thực tế, một số DN tại địa phương này vẫn cho người lao động là F1 đi làm bình thường, thậm chí F0 mà không có triệu chứng vẫn có thể làm việc được. Tuy nhiên, việc kiểm soát những người này rất chặt chẽ, có giám sát, theo dõi và khi có triệu chứng sẽ cho xuống phòng y tế nghỉ ngơi để test nhanh.
Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã tiêm được gần 6 triệu liều vắc-xin, trong đó mũi 1 là 2.669.517, mũi 2 là 2.152.548 và mũi 3 là 1.166.482. UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát thống kê nhu cầu tiêm vắc-xin mũi 1, mũi 2, mũi 3 để từ đó tính toán, đăng ký nhu cầu vắc-xin, xây dựng kế hoạch tiêm. Chậm nhất cuối tháng 3 này, các địa phương trong tỉnh phải triển khai xong tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 cho người dân.
Rất ủng hộ
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 triệu công nhân (CN), trong đó có gần 700.000 CN đang làm việc tại các KCN.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai - cho biết quan điểm là nhất trí với đề xuất của Hiệp hội Các DN KCN TP HCM lên Bộ Y tế về việc CN là F1 được đi làm trực tiếp. "Hiện mọi người đã được tiêm vắc-xin Covid-19 ít nhất 2 mũi. Và nay, F1 cũng khó xác định được ai là nguy cơ cao và ai là nguy cơ bình thường. Vì vậy, việc đề xuất cho F1 đi làm trực tiếp là hợp lý" - ông Phan Huy Anh Vũ nói.
Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho rằng tình hình chung không chỉ Đồng Nai mà cả các tỉnh phía Nam đều như nhau, đó là đang thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của các DN. "Việc đề xuất F1 được đi làm trực tiếp, cá nhân tôi rất ủng hộ nhưng phải có cơ sở" - ông Cường bày tỏ.
Theo PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên Chi hội Hô hấp TP HCM, với biến chủng Covid-19 Omicron khó có thể phòng ngừa hoàn toàn nếu F0 hay F1 đi làm. Nhưng với một số ngành nghề như nhân viên y tế, CN sản xuất tại nhà máy vẫn có thể đi làm. "Đây là giải pháp tình thế, nếu không đi làm thì thiếu nhân lực. Bên cạnh đó, hiện tỉ lệ tiêm vắc-xin cũng đã cao, có thuốc kháng virus. Ngoài ra, dù lây nhiễm nhiều nhưng qua báo cáo, phân tích cho thấy 95% là bệnh nhẹ" - BS Ngọc nói.
Theo BS Ngọc, trường hợp nếu F0 không có triệu chứng hoặc F1 test nhanh âm tính, không triệu chứng, không thuộc đối tượng nguy cơ (mắc các bệnh nền) thì có thể đi làm và bảo đảm tuân thủ 5K.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Y tế cho F1 đi làm trực tiếp, F0 làm việc trực tuyến, PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết nếu F1 test nhanh âm tính thì dù sau đó có nhiễm bệnh tải lượng virus vẫn thấp, khó có thể lây lan.
"Tuy nhiên, một số ngành nghề như giáo viên hoặc những công việc phải thường xuyên giao tiếp thì F0 nên cách ly tại nhà. Vì quá trình giao tiếp sẽ có giọt bắn như vậy cũng không bảo đảm phòng chống dịch" - PGS Phúc nêu thực tế.
Đề xuất giảm thời gian cách ly
Bộ Y tế vừa xin ý kiến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 về việc giảm thời gian cách ly y tế nhưng tăng cường khuyến cáo thực hiện biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm do rút ngắn thời gian cách ly y tế.
Về thời gian cách ly trường hợp F1, Bộ Y tế đề xuất những người đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc-xin Covid-19 theo quy định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày, thực hiện tự theo dõi sức khỏe 10 ngày kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng. Nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K, không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai). Thực hiện việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo.
Người đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 cần thực hiện tự theo dõi sức khỏe 10 ngày kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng. Những người chưa tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 theo quy định, cần thực hiện cách ly 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
Trong hướng dẫn cách ly và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, thời gian cách ly tại nhà của F1 hiện nay là 5 ngày với người đã tiêm đủ liều vắc-xin và 7 ngày với người chưa tiêm đủ liều.
Theo N.Dung (Nld.com.vn)