F0 Hà Nội than khó liên lạc, y tế phường kêu quá tải

24/02/2022 14:50:13

"Cả một ngày, liên tục gọi vào số điện thoại của y tế phường nhưng đường dây chỉ báo bận" - chia sẻ của một F0 trong bối cảnh tình hình dịch tại thủ đô Hà Nội đang ngày một phức tạp.

Sau 3 ngày nghỉ Tết, anh Đ.Q.T., hiện sinh sống tại một quận nội thành Hà Nội xuất hiện tình trạng đau mỏi người, cơ thể lúc nóng, lúc lạnh. Cảm thấy bất an, anh T. tự làm test nhanh Covid-19 tại nhà thì bất ngờ cho kết quả "2 vạch".

"Việc đầu tiên tôi làm là tìm nơi xét nghiệm PCR. Sau khi lên mạng tìm kiếm thông tin rồi qua bạn bè giới thiệu, tôi gọi được một đơn vị đến nhà lấy mẫu. Việc thứ hai là lên mạng tìm kiếm các số đường dây nóng, gọi tổng đài 1022 ấn phím 2, rồi ấn phím 3 đủ cả nhưng không nhận được sự hồi âm", anh T. chia sẻ trên VOV.

Sau đó, anh T. tiếp tục tìm số điện thoại của trung tâm y tế quận và trạm y tế phường để báo về tình trạng dương tính của mình. Sau rất nhiều lần gọi, anh T. kết nối được với một cán bộ ở quận và được người này cung cấp một số điện thoại khác để gặp cán bộ y tế phường ở nơi cư trú.

"Gọi theo số điện thoại được quận cho, tôi được một chị thông báo là cứ gọi trực tiếp đến số các bạn ở trạm y tế phường. Nếu thấy máy bận thì có thể cứ gọi đi gọi lại. Nhưng mọi cuộc gọi trong suốt hôm đó tới trạm y tế đều báo đường dây bận", anh T. cho hay.

Cố gắng liên lạc bằng nhiều cách, cuối cùng anh T. đã kết nối được với một nhân viên y tế. Tuy nhiên, sau khi khai báo các thông tin về bệnh nền, tiền sử tiêm vaccine,… anh T. vẫn chưa được hướng dẫn điều trị, cấp thuốc vì… phải chờ có kết quả PCR.

Sang ngày hôm sau, anh T. có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, gửi kết quả đến cán bộ tiếp nhận thông tin ở phường, anh T. cũng chỉ được thông báo "trường hợp của anh, em sẽ báo lên quận". Tuy nhiên, 3 ngày trôi qua, thực hiện hơn chục cuộc gọi, anh T. vẫn chưa nhận được hướng dẫn điều trị từ cán bộ y tế hay được nhận bất kì túi thuốc nào.

Cũng trong trường hợp như anh T., chị Ngọc Lan, 27 tuổi, trú phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy chia sẻ trên VnExpress.net, chị cho biết mình có triệu chứng sốt, ho nhẹ sau khi tan làm. Nghi mắc Covid-19, chị tự test nhanh, kết quả lên hai vạch. "Ban đầu tôi hơi hoảng khi biết mình dương tính bởi chưa tiêm vaccine", Lan kể.

Chị Lan xin được số trạm y tế phường nhưng máy bàn luôn bận, số di động có người bắt máy nhưng chỉ được hướng dẫn khai báo điện tử và chờ điện thoại tư vấn. Nhưng gần ba tiếng trôi qua mà không có cuộc gọi nào, chị Lan sốt ruột thử gọi vào số đường dây nóng và nhận ra thuê bao đã tắt máy.

"Tôi không xin cấp thuốc hay đi cách ly y tế, chỉ mong được hướng dẫn cách điều trị cho F0 đang mang bầu tại nhà nhưng càng chờ càng vô vọng", Lan thở dài. Đến 19h cùng ngày, cô mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang, đánh liều ra phường khai báo vì sợ để lâu ảnh hưởng đến thai nhi.

Nhưng ngay cả khi trực tiếp ra khai báo, Lan vẫn phải "theo đúng quy trình", sau khi khai báo y tế, được yêu cầu về nhà chờ hướng dẫn. Từ đó đến nay, cô vẫn chưa nhận được điện thoại hỗ trợ.

Chung cảnh ngộ, hôm 17/2, Hiền Thục, 24 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm nỗ lực liên hệ với trạm y tế khi cô và bạn cùng phòng đều F0 nhưng bất thành. Mỗi ngày Thục gọi cả chục cuộc điện thoại nhưng đầu dây bên kia không bắt máy.

"Tôi xác định tự điều trị tại nhà nhưng vẫn muốn báo phường vì theo quy định F0 không khai báo có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Nhưng không liên lạc được liệu tôi có phạm luật?", Thục thắc mắc. Bên cạnh đó, việc báo chính quyền địa phương sẽ được cấp giấy chứng nhận là F0 hoặc đã khỏi, giúp người bệnh hưởng trợ cấp ốm đau từ cơ quan, bảo hiểm xã hội hoặc được cung cấp mã số bệnh nhân để bệnh viện nhận điều trị trong trường hợp trở nặng.

"Sáu ngày trôi qua tôi vẫn không thể liên hệ được y tế phường, có khi sắp khỏi rồi", Hiền Thục cho biết. Những ngày qua, đồ ăn, thuốc men điều trị cô đặt qua mạng nhờ shipper mang đến, bởi bạn bè, đồng nghiệp đều là F0.

Nữ nhân viên văn phòng cũng bày tỏ sự bức xúc khi cũng là F0 nhưng mỗi nơi lại có cách đối xử khác nhau. "Bạn tôi ở phường Dịch Vọng Hậu, sau khi liên hệ với trạm y tế, hàng ngày đều được nhắn tin hỏi thăm, hỗ trợ. Còn phường tôi đến số điện thoại cũng không thể liên hệ được", cô nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm giải thích về trường hợp "6 ngày không thể liên hệ" của Hiền Thục là do lực lượng cán bộ y tế có hạn, trong khi F0 nhiều. Đến nay, quận đã ghi nhận 745 ca nhiễm Covid-19. "Cùng một thời điểm sẽ có vài chục F0 gọi đến, tắc nghẽn đường dây là điều khó tránh", ông Tuấn nói. Hôm 22/2, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thừa nhận thực trạng người dân khó tiếp cận dịch vụ y tế cấp xã, phường. Nguyên nhân là áp lực lên đội ngũ y tế cơ sở lớn, có phường số F0 lên đến hàng nghìn trong khi nhân viên y tế chỉ có 8-10 người nên rất khó tránh "chuệch choạc" trong công tác hỗ trợ người dân.

Để khắc phục vấn đề này, quận Nam Từ Liêm đã triển khai mô hình các nhóm chăm sóc F0 tại từng tổ dân phố. Các nhóm này có trách nhiệm liên hệ với trạm y tế phường để hỗ trợ khi phát hiện F0. "Thay vì cố gắng gọi đến trạm y tế, các F0 nên kết nối với các tổ dân phố", ông Nguyễn Anh Tuấn nói thêm.

Còn tại quận Hoàng Mai, một trong những quận vẫn ghi nhận nhiều ca mắc trong những ngày qua, thông tin trên VietNamNet, dù đang là F0 nhưng anh Nguyễn Xuân Hưng (Chung cư HH4A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn phải ra trạm y tế phường để xin giấy chứng nhận.

“Tôi đã tự test ở nhà và phát hiện dương tính, chụp ảnh gửi khai báo nhưng vẫn được hướng dẫn để ra test lại”, anh Hưng nói.

Để được chứng nhận là F0, anh Hưng phải tự đi mua que test nhanh Covid-19, sau đó ra Trạm y tế phường Hoàng Liệt để khai báo theo hướng dẫn và cán bộ y tế test lại để xác nhận.

“Tôi đi ra Trạm y tế phường lúc 7h sáng, họ lại chỉ sang nhà văn hóa Tổ dân phố số 12 này. Xếp hàng và làm theo hướng dẫn đến gần 10h vẫn chưa đến lượt tôi vào test”, anh Hưng ngán ngẩm.

F0 Hà Nội than khó liên lạc, y tế phường kêu quá tải
Có cả trăm người đến điểm khai báo, test nhanh Covid-19 của Trạm y tế phường Hoàng Liệt (Ảnh VietNamNet)

Cũng trong tình cảnh của anh Hưng, hai vợ chồng anh Vũ Anh Tuấn (Chung cư HH1C Linh Đàm) cho biết, gia đình có 5 F0, nhưng anh Tuấn chỉ đồng ý cho hai vợ chồng tới trạm y tế khai báo.

“Là F0, với thời tiết lạnh sâu như thế này mà phải đi ra ngoài đường rất nguy hiểm, nguy cơ diễn tiến nặng cao, nên tôi thấy rất bất cập. Thêm vào đó lại thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”, anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn cũng cho biết, bản thân mình là nhân viên y tế, đã từng lên đường đi chống dịch tại tỉnh Vĩnh Long nên ý thức rất rõ việc hạn chế lây cho cộng đồng. Để ra được trạm y tế xin giấy xác nhận, anh đã đeo hai găng tay y tế, liên tục xịt cồn để rửa tay.

Còn tại trạm y tế phường Định Công (Hoàng Mai) cũng có rất đông F0, F1 đến xin giấy xác nhận.

Lực lượng y tế, công an, thanh niên tình nguyện liên tục phải kêu gọi loa để người dân chấp hành xếp hàng, đảm bảo giãn cách.

Chia sẻ trên VnExpress.net, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng yêu cầu F0 đã có kết quả test nhanh phải đến trạm y tế phường để xét nghiệm lại "là việc làm thái quá, không cần thiết".

"Buộc người nhiễm bệnh tự di chuyển đến các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ không đảm bảo là sai nguyên tắc và tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng", ông Nga nhận định. Theo chuyên gia y tế, các cơ sở y tế nên có các phương thức hướng dẫn điều trị qua các phần mềm từ xa để giảm nguy cơ lây nhiễm, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

F0 Hà Nội than khó liên lạc, y tế phường kêu quá tải - 1
 Cả loạt F0 ra trạm y tế xếp hàng để xin xác nhận, tiềm ẩn nguy cơ cao lây dịch bệnh ra cộng đồng (Ảnh VietNamNet)

Được chấp nhận cho quay video tự test nhanh tại nhà, nhưng Hằng Nga, 28 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy vẫn bị từ chối tiếp nhận vì "góc máy quay chưa chuẩn".

"Tôi đã giải thích do ở một mình, điện thoại đặt cố định, trong lúc lấy dịch mũi để test vô tình để tay che mặt. Nhưng các nhân viên y tế vẫn nói video không hợp lệ, bắt quay lại. Nhưng test Covid-19 chứ đâu phải thích là lôi ra chọc đâu", cô gái 28 tuổi, dương tính hôm 20/2, nói.

Theo Nga, ngay cả khi video không đạt yêu cầu, cô cũng xứng đáng được nhận tư vấn, hướng dẫn điều trị tại nhà, thay vì không trả lời tin nhắn. Cô đang tự tìm hiểu cách tự điều trị F0 tại nhà. "Giờ không tự cứu mình sẽ chẳng còn ai, nên tôi buộc tự bơi", Nga nói.

Chia sẻ trên VnExpress.net, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, người từng tham gia chống dịch tại TP HCM, đang điều hành một nhóm quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, cho biết F0 tại Hà Nội chủ yếu là nhẹ, diễn biến chỉ như cảm cúm thông thường, không cần quá sốt sắng tìm mua thuốc hay tích trữ thuốc, sử dụng thuốc trôi nổi.

Ông Tuấn tư vấn, khi không liên hệ được y tế cơ sở do quá tải, các F0 cần bình tĩnh và tỉnh táo lựa chọn kênh thông tin để giúp đỡ. Có thể chuẩn bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, thuốc hạ sốt, giảm đau, tiêu chảy,... nhưng không nên tích trữ máy tạo oxy và bình oxy. "Khi khó thở, cần hỗ trợ oxy tức là mức độ bệnh trung bình trở lên, phải điều trị ở bệnh viện, không điều trị ở nhà nữa", bác sĩ Tuấn nói.

Ngoài ra, F0 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập hít thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước, không bỏ bữa. "F0 cũng cần tăng dinh dưỡng như ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái", bác sĩ Tuấn khuyên.

Đến hôm nay Ngọc Lan vẫn tự cách ly tại phòng trọ và chờ điện thoại từ trung tâm y tế thay vì tự tìm cách điều trị. "Họ nói với tôi cứ về và chờ người gọi điện thoại hỗ trợ. Nhưng tôi không biết chờ đến bao lâu và đến khi nào", cô thở dài.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch UBND phường Định Công thông tin trên VietNamNet, do đặc thù trên địa phường tập trung đông dân cư, lực lượng y tế của phường chỉ có 9 người mà hiện tại 4 người đang là F0.

Ngoài ra, lực lượng y tế phường đang cùng lúc phải thực hiện cả chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 nên thiếu nhân lực trầm trọng.

Theo bà Phượng, do lực lượng y tế cơ sở đang quá mỏng nên rất mong muốn có lực lượng tình nguyện tăng cường nguồn nhân lực  cho y tế tuyến cơ sở.

Tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, vị đại diện cho biết, trên địa bàn quận không xảy ra tình trạng người dân đến xin xác nhận F0.

Vị đại diện này thông tin, quy trình khi người dân phát hiện mình là F0 sẽ được cán bộ y tế hướng dẫn gọi điện báo cho y tế phường. Sau đó sẽ được theo dõi và thông báo qua zalo.

Khi hết thời gian điều trị, cách ly, xác nhận âm tính, trạm sẽ gửi xác nhận cho người dân qua zalo.

Nhiều trạm y tế khác cũng kết nối với F0 qua zalo, Facebook, không bắt buộc F0 phải đến trạm y tế.

Theo quy định của Bộ Y tế, người dân có thể được xác định là F0 khi thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 và được nhân viên y tế giám sát gián tiếp thông qua các phương tiện từ xa.

NT (Nguoiduatin.vn)