Đường sắt là "chủ đạo" trong hệ thống giao thông

17/06/2017 10:24:00

Luật đường sắt (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, quy định ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương cho lĩnh vực này.

Luật đường sắt (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, quy định ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương cho lĩnh vực này.

Luật này đưa ra hàng loạt chính sách của nhà nước về phát triển đường sắt, trong đó có việc ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và đô thị, bảo đảm lĩnh vực này đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

Đồng thời, để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch, Luật nêu rõ ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỉ lệ thích đáng.

Tỷ lệ đầu tư cho ngành đường sắt là một trong những nội dung được đề cập nhiều trong quá trình thảo luận dự án Luật này. 

Theo Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa, Việt Nam là một trong không nhiều nước sớm có hệ thống đường sắt hiện đại, nhưng sau 100 năm thì kém dần và nay thì thực sự rất lạc hậu. Trong khi đó, giai đoạn 2011-2015, đầu tư cho ngành đường sắt chỉ chiếm khoảng 3% tổng cơ cấu đầu tư của ngành giao thông, đường bộ là gần 90%. 

Trước khi Luật được thông qua, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể tỷ trọng đầu tư tối thiểu trong tổng vốn đầu tư cho ngành giao thông vận tải để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, ấn định tỉ lệ này tối thiểu là 35%. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là ý kiến rất tâm huyết nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, nếu quy định cứng về tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực đường sắt trong tổng vốn đầu tư cho ngành giao thông vận tải sẽ khó khả thi trong thực tế, vì việc phân bổ nguồn vốn cho các phương thức vận tải cần phải đảm bảo tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ và đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn.

duong-sat-la-chu-dao-trong-he-thong-giao-thong

Đường sắt sẽ đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải. 

Ngoài ra, Luật cũng quy định dành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại...

Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này.

Kinh doanh đường sắt được ưu đãi

Điểm mới đáng chú ý trong Luật đường sắt (sửa đổi) vừa được thông qua là việc đưa kinh doanh trong lĩnh vực này vào các ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ như: Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng; căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế, Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi...

Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, đường sắt đô thị và công nghiệp đường sắt được hưởng mức ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, doanh nghiệp còn được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được...

Tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động đường sắt, vì như vậy có thể tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng đây một lĩnh vực rất đặc thù, đầu tư rất lớn, việc thu lại nguồn vốn rất chậm, vì vậy cần thiết giữ nội dung về ưu đãi như nêu trên.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.

Luật dành các chương riêng cho đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Trong đó, yêu cầu đối với đường sắt tốc độ cao là kết nối hiệu quả các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải khác.

Đường sắt tốc độ cao phải được nghiên cứu tổng thể toàn tuyến, và tổ chức xây dựng theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động vốn.

 
Theo Xuân Hoa - Hoàng Thùy (VnExpress.net)

Nổi bật