Công ty của Trung Quốc cung cấp dây chuyền sản xuất ống
Vào đầu tháng 3 tới, vụ án liên quan đến việc nhiều lần vỡ đường ống nước sạch sông Đà sẽ được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm. Trong vụ án này có 9 bị cáo. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định có 3 nhóm hành vi vi phạm, trong đó có hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, khi triển khai tuyến đường ống truyền tải nước sạch, để có ống composite cốt sợi thủy tinh cung cấp cho dự án, Tổng công ty Vinaconex đã góp vốn thành lập Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico). Ông Trần Cao Bằng là người đại diện theo pháp luật của công ty, Vũ Thanh Hải là Trưởng phòng sản xuất kiêm quản đốc phân xưởng.
Tháng 9.2004, Viglafico có tờ trình HĐQT của Vinaconex đề nghị cho phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ống cốt sợi thủy tinh công suất 150km/năm. Sau khi được đồng ý, Viglafico tiến hành triển khai. Tháng 10.2004, đai diện Viglafico và Công ty TNHH thương mại Dụ Hoa, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua bán dây chuyền sản xuất ống (công ty của Trung Quốc là đơn vị cung cấp). Sau đó Viglafico cho lắp đặt nhà máy sản xuất ống tại khu công nghệ cao xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Từ tháng 3.2005 đến cuối năm 2008, Viglafico đã tiến hành sản xuất từng chủng loại ống, tổ chức sản xuất, thí nghiệm kiểm tra chất lượng và cung cấp cho dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội hơn 5.000 chi tiết sản phẩm.
Cam kết nhưng không áp dụng
Kết quả điều tra xác định, các sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện của Viglafico sản xuất và cung cấp cho dự án đã không thực hiện việc thí nghiệm kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu cơ lý của sản phẩm như quy định của Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 của Hiệp hội công trình thủy Hoa Kỳ mà doanh nghiệp đã công bố và cam kết áp dụng.
Bên cạnh đó, việc thí nghiệm kiểm tra, công nhận một số chỉ tiêu cơ lý của sản phẩm chỉ được thực hiện tại bộ phận/phòng thí nghiệm của Vilgafico, trong khi bộ phận/phòng thí nghiệm này không được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Khoa học Công nghệ công nhận là phòng thí nghiệm hợp chuẩn. Thế nhưng, Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện mà đơn vị này đã sản xuất và cung cấp cho dự án.
Kết luận giám định ngày 15.4.2015 của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã xác định nguyên nhân gây ra việc vỡ tuyến ống truyền tải nước sạch sông của dự án là do chất lượng ống composite cốt sợi thủy tinh được Viglafico sản xuất, cung cấp không đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất, yêu cầu thiết kế mà chủ đầu tư dự án đã phê duyệt, doanh nghiệp sản xuất đã công bố và cam kết áp dụng.
Độ bền lâu của tuyến ống không đảm bảo 50 năm do đơn vị sản xuất đã không tiến hành thí nghiệm kiểm tra đầy đủ nguyên vật liệu đầu vào dùng cho quá trình sản xuất ống, không thực hiện các thí nghiệm kiểm tra chất lượng ống để xác định độ bền dài hạn của sản phẩm.
Quá trình thi công dự án, các đơn vi liên quan như Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu cung cấp ống đã phát hiện và ghi nhận rất nhiều ống composite cốt sợi thủy tinh do Viglafico sản xuất và cung cấp cho dự án có những lỗi: phồng rộp, tách lớp, lồi, lõm, nhiều vết nứt, xước, rạn xung quanh thành ống, ống không đạt chiều dày thiết kế, màu sắc và các lớp vật liệu không đồng đều. Đây là lỗi mà Tiêu chuẩn sản xuất ANSI/AWWA C950 -01 yêu cầu không được có đối với mỗi sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh được sản xuất và thử nghiệm theo tiêu chuẩn này.
Theo Viện KSND Tối cao, trách nhiệm về vấn đề trên thuộc GĐ Viglafico Trần Cao Bằng, Trưởng phòng sản xuất, quản đốc phân xưởng Vũ Thanh Hải. Hành vi của bị can Bằng và Hải là nguyên nhân trực tiếp gây ra việc vỡ ống khi vận hành khai thác, có trách nhiệm với 18 lần vỡ ống, 23 cây ống bị vỡ, chi phí khắc phục sửa chữa hơn 16,6 tỷ đồng, thời gian ngừng cấp nước 386 giờ, lượng nước ngừng cấp hơn 1,74 triệu m3.
9 người bị truy tố trong vụ án gồm: Hoàng Thế Trung - nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội (viết tắt Ban quản lý); Nguyễn Văn Khải - nguyên Phó giám đốc Ban quản lý; Trương Trần Hiền, Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải, Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân. Tất cả những người này cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Lương Kết (Dân Việt)