Ông Phí Thái Bình - cũng nguyên là chủ tịch HĐQT Vinaconex nói ông làm với động cơ trong sáng không vụ lợi. Vinaconex thu lợi hàng ngàn tỉ đồng từ dự án đường ống cấp nước sạch Sông Đà.
Ông Phí Thái Bình - nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên chủ tịch HĐQT Vinaconex |
Chiều qua 22-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Phí Thái Bình - nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội do những sai phạm trong giai đoạn ông làm chủ tịch HĐQT Vinaconex, đơn vị chủ đầu tư dự án đường ống nước sông Đà bị vỡ nhiều lần.
Trao đổi với PV qua điện thoại tối 22-5 sau thông tin bị khởi tố, ông Bình nói:
“Đây là câu chuyện dài và tôi tin vào việc làm của tôi là đúng. Tôi suy nghĩ với trách nhiệm của mình tôi đã tận tâm tận lực, làm với động cơ trong sáng không vụ lợi.
Đặc biệt là tôi nghĩ mình đóng góp một phần trong việc giải quyết cơn khát nước sạch cho người dân thủ đô, quá trình thực hiện không thất thoát, không tiêu cực, không tham nhũng.
Đây là dự án giải quyết nhu cầu nước sạch cho hàng triệu người dân thiếu nước, vì thế không ai muốn xảy ra chuyện đáng tiếc.
Còn bây giờ phải phân ra câu chuyện về trách nhiệm của chúng tôi trong thời kỳ làm dự án, đó là cả một dự án kéo dài 4-5 năm mới xong và khi dự án còn đang dang dở thì tôi về công tác tại UBND TP Hà Nội”.
* Bây giờ cơ quan tố tụng quy trách nhiệm cho ông, khởi tố ông, ông có băn khoăn gì không?
- Tôi băn khoăn chứ. Tôi không có tội trong việc này. Dự án đó có hiệu quả, đó là nguồn nước dùng cho người dân, là mấy trăm lao động có việc làm và đặc biệt Vinaconex đã thu lợi hàng ngàn tỉ đồng ở dự án này.
Nhiều người cứ tưởng ngày xưa chúng tôi nhập ống của Trung Quốc nhưng không phải. Thực tế tổng công ty chúng tôi đã nghiên cứu rất trăn trở mới đi đến quyết định sử dụng vật liệu mới mà trên thế giới dùng nhiều nhưng ở VN chưa bao giờ dùng.
Đây là dự án mà doanh nghiệp lần đầu tiên ứng dụng công nghệ mới vào một dự án lớn nhất VN, nhập dây chuyền về sản xuất ống đường kính lớn theo tiêu chuẩn quốc tế, đường kính tới 1,8m để cấp cho dự án.
Còn ở trong nước đến bây giờ cũng chỉ sản xuất được ống gang có đường kính 80cm thôi, vì thế, thứ nhất phải nhập khẩu từ nước ngoài, thứ hai là đầu tư để khỏi phụ thuộc vào nước ngoài.
Chính vì những lý do đó, qua khảo sát, thiết kế, trăn trở, chúng tôi đi đến lựa chọn rất kỹ càng rồi mới nhập dây chuyền công nghệ về để sản xuất loại ống này cho sau này không phải phụ thuộc vào nước ngoài, không phải sử dụng ngoại tệ.
Đây cũng là dự án không sử dụng vốn ngân sách, mà là doanh nghiệp tự thiết kế, tự sản xuất ống, tự thi công và tự vận hành. Nhưng cũng không phải vì không sử dụng vốn ngân sách mà mình làm ẩu, làm bậy.
* Ý ông là không có chuyện vụ lợi, tư lợi từ dự án?
- Đúng vậy. Bây giờ cứ tìm hiểu xem mười mấy lần vỡ ống, ống đó là sản xuất năm nào. Mỗi ống đó đều có bản lý lịch riêng của từng ống, nó sản xuất ngày nào, đơn vị nào nhận, nhận lắp ở đâu, nó vị trí nào và quy trình quy phạm lắp đặt ấy có đầy đủ để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của dự án không.
* Nhưng rõ ràng việc đường ống vỡ nhiều lần có liên quan đến chất lượng, thưa ông?
- Việc vỡ nhiều lần có lý do của nó, lý do đó đã được Bộ Xây dựng và cơ quan thẩm định xác định chính xác rồi. Tôi còn có suy nghĩ về một lý do khác khiến nó vỡ nữa, nhưng một lúc nào đó khi cần thiết tôi sẽ trao đổi.
Còn về dự án, tôi là người tư duy trăn trở để đưa dự án này ra cùng tập thể người lao động làm, vì mục tiêu trong sáng khi đó là Hà Nội khát nước quá, nguồn nước ô nhiễm, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp thì mình phải làm.
Rất tiếc là dự án đang triển khai dang dở trong hai năm đầu thì tôi chuyển về Hà Nội.
|
Đường ống nước sông Đà trong lần vỡ thứ 10 vào ngày 15-1-2015 - Ảnh: Phương Minh |
Đổi sang dùng ống sợi composite cốt sợi thủy tinh Ngày 15-4-2004, HĐQT Vinaconex đã ban hành quyết định phê duyệt báo cáo điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Trong đó, thay đổi ống truyền tải nước sạch từ gang dẻo sang ống sợi composite cốt sợi thủy tinh. Thời điểm năm 2004, ông Bình giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Vinaconex. Tháng 7-2006, ông Bình được bầu giữ chức phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2006-2011. Đến năm 2011, ông Bình nghỉ hưu theo chế độ. |
Đường ống nước sông Đà: 4 năm 20 lần vỡ, rò rỉ Lần 1: Ngày 4-2-2012, đường ống bị vỡ tại Km10+300 trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội. Lần 2: Ngày 23-3-2013, vỡ tại Km26+850 đại lộ Thăng Long. Lần 3: Ngày 21-11-2013, vỡ tại Km27+060 đường đại lộ Thăng Long. Lần 4: Ngày 16-12-2013, vỡ trên Đại lộ Thăng Long (đoạn đi qua địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất). Lần 5: Ngày 1-4-2014, vỡ tại km 22+660, huyện Thạch Thất. Lần 6: Ngày 26-4-2014, vỡ tại Km26+600 trên đại lộ Thăng Long. Lần 7: Ngày17-6-2014, vỡ tại km25 trên Đại lộ Thăng Long, khu vực cầu vượt Đồng Chúc (đoạn qua huyện Thạch Thất). Lần 8: Ngày 10-7-2014, vỡ tại vị trí km 25 gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất. Lần 9: Ngày 12-7-2014, vỡ tại km15 trên Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức. Sau lần vỡ thứ 9, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng liên quan việc thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp tuyến ống truyền tải nước sạch (giai đoạn 1) của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Lần 10: Ngày 15-1-2015, sự cố tại km 21+400 thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Lần 11: Ngày 21-7-2015, vỡ tại Km26 trên đại lộ Thăng Long. Lần 12: Ngày 25-7-2015, sự cố rò rỉ nước tại Km22+800 trên cao tốc Láng - Hòa Lạc. Lần 13: Ngày13-8-2015, sự cố tại vị trí km28 + 650 cao tốc Láng - Hòa Lạc. Lần 14: Ngày 25-9-2015, vỡ tại điểm ngã tư siêu thị Big C (Hà Nội). Lần 15: Ngày 26-9-2015, vỡ tại km 26+450, đoạn qua huyện Thạch Thất. Lần 16: Ngày 6-11-2015, vỡ tại km22 đại Lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Thạch Thất. Lần 17: Ngày 31-12-2015, rò rỉ tại Km22+00 (Đại lộ Thăng Long). Lần 18: Ngày 11-7-2016, vỡ tại Km27+ 600 trên Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất). Lần 19: Ngày 14-9-2016, sự cố rò rỉ tại vị trí Km21+600 trên Đại lộ Thăng Long. Lần 20: Ngày 4-10-2016, sự cố rò rỉ tại km22+900, thuộc địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội. |
Theo Thân Hoàng - Xuân Long - Lâm Hoài (Tuổi Trẻ)