Các xe chở gỗ quá tải từ Lào về vô tư cày nát đường mà không thấy cơ quan chức năng xử lý |
Xe gỗ quá tải cày nát đường dân sinh
Mỗi ngày đêm có không dưới trăm xe tải chở gỗ quá tải từ Lào về qua cung đường này nhưng tuyệt nhiên không thấy cơ quan chức năng nào kiểm soát. Người dân chỉ biết than trời và chịu đựng khi mưa xuống.
Những ngày đầu tháng hai, chúng tôi theo xe chở quà tặng học sinh trường Na Ngoi 2 thuộc huyện Kỳ Sơn. Đoạn đường chỉ có khoảng 30km nhưng xe ben phải bò gần 3 tiếng mới tới được điểm tập kết hàng tại trường tiểu học Na Ngoi 2.
Thời điểm chúng tôi đi trao quà cũng là mùa mưa rét, cung đường với bùn trộn nước mưa bị xe chở gỗ quá tải cày nát như “cháo loãng”.
Có những con dốc trơn trượt nếu không vững tay lái thì lao xuống vực là không tránh khỏi. Khổ nhất là người dân đi xe máy, gặp xe gỗ phải dạt vào lề đường chịu trận.
Theo người dân, đây là cung đường độc đạo nhưng vào mùa mưa rét chỉ có xe ben, xe ô tô hai cầu và xe máy mới bò vào được, các loại xe ô tô một cầu chịu chết.
“Những ngày cận tết các đoàn xe gỗ ào ạt về từ Lào, họ thường chạy vào ban đêm rất nguy hiểm. Chúng tôi nhiều lần làm đơn phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng chẳng thấy ai giải quyết. Xe gỗ vẫn cứ chạy đều đều, đường thì ngày một tan nát thêm”.
Dọc đường đi, chúng tôi gặp những đoàn xe gỗ nườm nượp chở gỗ về các bãi tập kết dọc đường. Đếm sơ trên cung đường này có không dưới năm bãi tập kết gỗ dọc hai bên đường.
Có những lúc đoàn xe chở gỗ gây kẹt xe hàng giờ đồng hồ khiến việc lưu thông hàng hóa ra vào của người dân bị tắc ngẽn liên tục.
Nhiều giáo viên các trường trên cung đường cho biết vào mùa mưa, không thể đi xe máy ra huyện hay về thăm quê, mà xe khách thì không chạy được trên cung đường này.
Ông Trịnh Minh Châu, chủ tịch huyện Tương Dương thừa nhận đúng là cung đường này đang bị hư hỏng nặng. Huyện đang lập dự án sửa chửa lại đường cho việc lưu thông của người dân.
|
Cung đường nhựa nhưng bây giờ chỉ còn bùn nhão vì bị xe gỗ cày nát - Ảnh: Lê Đức Dục |
|
Bãi tập kết gỗ tràn lan bên đường - Ảnh: Hồ Văn |
Ông Châu cho biết thêm phía đầu nguồn phần đường giáp biên giới Lào là do huyện Kỳ Sơn quản lý, nếu ở trên chặn được thì xe chở quá tải cũng không có cơ hội hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi ông Bùi Trầm, chủ tịch huyện Kỳ Sơn nói: “Thực tế chúng tôi nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng họ vẫn cứ chở quá tải cày nát đường. Đoạn đường này chúng tôi vừa đầu tư hàng tỷ làm lại nhưng bây giờ cũng bị phá nát. Nhiều lần kiểm tra xử phạt họ bảo không có trạm cân thì sao bảo quá tải, chúng tôi cũng đành chịu. Chúng tôi đang kiến nghị cần đặt trạm cân ở đây đề kiểm soát việc quá tải. Chứ kiểm tra suông, phạt hành chính thì chẳng ngăn được họ”.
Ông Phan Huy Chương, phó chánh thanh tra Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cho biết một phần trách nhiệm cũng thuộc thanh tra sở, tuy nhiên hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn là nơi được giao nhiệm vụ quản lý theo phân cấp.