Sau khi chúng tôi phản ánh tuyến đường tránh QL1 (tuyến tránh TP Vinh, Nghệ An) liên tiếp xảy ra tình trạng ô tô bị lật, Tổng cục Đường bộ đã phản hồi.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định: Nói hàng loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra trên một đoạn đường trong thời gian ngắn do thảm bê tông polymer trơn trượt là không có cơ sở khoa học, bởi hiện nay kết cấu mặt đường bê tông nhựa nói chung và bê tông nhựa polymer được cả thế giới sử dụng.
Tuyến đường liên tiếp xảy ra TNGT trong thời gian qua. Ảnh: Quốc Huy |
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ giải thích: Thảm nhựa polymer đều có các chỉ tiêu: độ nhám (hạn chế trơn trượt), khả năng chịu cắt, kéo uốn... tốt hơn bê tông thông thường. Do vậy, về độ bám (tránh trơn trượt) thì thảm polymer vẫn tốt hơn các loại bê tông thông thường.
Ông Điệp cũng nói rõ: Thảm nhựa polymer thường được sử dụng tạo nhám mặt đường cao tốc, trong khi tuyến tránh TP Vinh chỉ có 2 làn xe với tốc độ chỉ 60km/h nên không được sử dụng.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, tuyến đường bị hư hỏng, chủ đầu tư (Tổng công ty XD công trình giao thông 4 - Cienco 4) khi sửa chữa đã áp dụng nhiều công nghệ thảm nhựa.
Đoạn hư hỏng nhẹ (không hằn lún quá 2,5cm) được cào bóc, đoạn hằn lún 6cm được cào bóc và thảm lại bằng bê tông nhựa polymer; có đoạn lại được cào bóc và tái chế mặt đường cũ, thảm bê tông nhựa có phụ gia để tăng lớp kết bám cũng như khả năng chịu lún.
Với ý kiến của lực lượng CSGT về ảnh hưởng của dầu khi thảm nhựa mặt đường bê tông, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng không chính xác, ngoại trừ dầu máy do các phương tiện gây ra trên đường.
Làm rõ nguyên nhân tai nạn
Về vụ tai nạn giao thông liên hoàn chiều 5/7 được phản án trên VietNamNet, ông Lê Hồng Điệp cho biết: Cơ quan công an xác định, nguyên nhân vụ tai nạn là do lái xe Phạm Văn Thường điều khiển xe 86C-014.74 rơ mooc 86R-000.36 đi không đúng phần đường quy định. Ông Thường đã bị phạt 1 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Theo Cục Quản lý đường bộ 2, thời điểm xảy ra tai nạn có mưa. Xe tải BKS 15C-08.623 lưu thông theo chiều Hà Tĩnh - Hà Nội mất lái lao xuống ruộng, cùng lúc xe bán tải BKS 37C-157.50 chạy cùng chiều phanh gấp dẫn đến trượt ra khỏi đường.
Sau đó các xe đi qua khu vực có phanh lại, nhưng xe ô tô BKS 86C-014.74 rơ mooc 86R -000.36 do lái xe Phạm Văn Thường lái vượt lấn làn đường gây tai nạn liên hoàn dẫn đến 3 xe mắc kẹt vào nhau.
Theo Phó tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường, do tuyến tránh TP Vinh chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách giữa nên khi đi vào đường này lái xe thường có tâm lý chủ quan như đi ở tuyến đường có 4 làn xe (có dải phân cách giữa).
Ông Cường cho rằng, chính việc lái xe phóng nhanh vượt ẩu dẫn đến các tai nạn đổ xe, đấu đầu nhau.
Một xe tải bị lật khi đang lưu thông trên đường tránh Vinh. Ảnh: Quốc Huy |
Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu Cục Quản lý đường bộ 2 cùng Cienco 4 và lực lượng CSGT địa phương báo cáo tình hình TNGT trên tuyến từ đầu năm đến nay, đồng thời làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn.
Tổng cục cũng yêu cầu các bên các bên xem xét từng nguyên nhân, vấn đề cụ thể; Cần thiết phải bổ sung vệt gờ giảm tốc, tăng cường biển báo hiệu đường ngang. Đặc biệt cần xem xét kỹ, nếu cần sẽ bổ sung đèn tín hiệu tại một số vị trí.
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Cienco 4 cho biết: Từ năm 2014-2015, lượng phương tiện lưu thông trên đường tránh TP Vinh tăng cao, tuyến đường hẹp nên đã xảy ra tình trạng xung đột, ách tắc cục bộ giữa các phương tiện trong quá trình tham gia giao thông. Mặc khác, quy mô TP Vinh đã được mở rộng một phần về phía Tây, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được cấp phép xây dựng 2 bên tuyến tránh, vì vậy việc đấu nối lưu thông trực tiếp vào tuyến tránh khá dày đặc. |
Theo Vũ Điệp (VietNamNet)