Đường Hà Nội thành sông và công trình chống ngập 10 năm không về đích

09/07/2022 09:38:47

Mùa mưa năm 2022 mới chỉ bắt đầu nhưng đường phố ở Hà Nội đã 3-4 lần ngập úng, trong khi công trình chống ngập nghìn tỷ suốt 10 năm chưa về đích.

Từ đầu hè đến nay, người dân thủ đô đã phải trải qua 3-4 dầm nước trên những tuyến đường phố bị ngập úng. Hệ thống tiêu thoát nước của thủ đô được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20, đáp ứng nhu cầu cho nội đô với khoảng 500.000 dân. Tuy nhiên, với sự phát triển của đô thị hiện đại và sự gia tăng dân số nhanh chóng, hệ thống thoát nước cũ đã “quá sức”.

Theo chỉ số về năng lực tiêu thoát, mạng lưới chỉ đáp ứng lượng mưa từ 50mm/2 giờ trở xuống, với trận mưa từ 50 - 100mm/2 giờ, thành phố sẽ có tới 18 điểm ngập úng. Và với những trận mưa trên 100mm/2 giờ tập trung trong thời gian ngắn dưới 40 phút, hệ thống thoát nước thành phố sẽ quá tải và phát sinh thêm nhiều điểm ngập úng mới.

Những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, làm nhiều dự án thoát nước quy mô lớn, điển hình là 3 dự án đã và đang triển khai gồm: dự án thoát nước Hà Nội, dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (Hà Đông) và dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc. Tuy nhiên, tình trạng “Hà Nội cứ mưa là ngập” vẫn diễn ra khiến người dân vô cùng ngán ngẩm, bức xúc.

Đường Hà Nội thành sông và công trình chống ngập 10 năm không về đích
Đường gom đại lộ Thăng Long thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Phạm Hải

Còn nhớ cách đây khoảng hơn 1 tháng, đại lộ Thăng Long và nhiều khu dân cư tại một số xã của huyện Hoài Đức bị ngập nặng, nguyên nhân được xác định lượng mưa lớn và mực nước sông Nhuệ dâng cao.

Tuy nhiên, điều lạ là khu vực đó có công trình chống ngập úng với trạm bơm tiêu Yên Nghĩa dù được đầu tư hàng nghìn tỷ từ 10 năm trước với vai trò hạ mực nước sông Nhuệ mỗi khi có mưa lại nằm bất động trong các trận mưa.

Việc chậm tiến độ trong triển khai dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến thoát úng ngập ở phía tây thủ đô đã làm “nóng” phiên chất vấn và trả lời chất vấn HĐND TP Hà Nội ngày 7/7.

Khi một đại biểu HĐND đặt câu hỏi rất ngắn gọn nhưng đã “chạm” đến sự quan tâm rất lớn của nhân dân, cử tri thủ đô như nhận xét của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn. Và ông đã mời cùng lúc 3 lãnh đạo gồm Phó Chủ tịch UBND TP, Giám đốc sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND quận Hà Đông để giải đáp thắc mắc của đại biểu.

Chủ tịch HĐND TP trong phiên chất vấn cũng đã liên tục phải “nhắc nhở” các lãnh đạo trên cần nêu rõ “tiến độ, thời gian và cam kết” khi nào dự án đi vào hoạt động.

Với mục tiêu đảm bảo tiêu chống úng cho địa bàn các quận, huyện Hà Đông, Hoài Đức, Nam Từ Liêm và Đại lộ Thăng Long… năm 2013 UBND TP Hà Nội ký quyết định để Sở NN&PTNT thực hiện dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố, trong đó có trạm bơm tiêu Yên Nghĩa - bơm nước ngập từ sông Nhuệ ra sông Đáy.

Trạm bơm có tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Với 10 tổ máy, công suất 120 m3/s, trạm có công suất thoát lũ lớn nhất Hà Nội. Đến nay, hạng mục xây dựng cụm công trình đầu mối trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã hoàn thành, nhưng còn nhiều hạng mục khác vẫn dở dang khiến dòng chảy bị hạn chế.

Theo tìm hiểu, kênh nước La Khê nằm trong dự án đi qua 6 phường quận Hà Đông và 2 xã của huyện Hoài Đức nhưng hiện vẫn đang ngổn ngang, thi công dang dở.

Cần thực hiện lời hứa trước cử tri

Đại biểu HĐND TP Trần Hợp Dũng đặt vấn đề dự án trạm bơm Yên Nghĩa chậm tiến độ 10 năm, liệu việc này có ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước ở phía Tây Hà Nội không? Ông cũng đề nghị các đơn vị liên quan cho biết nguyên nhân chậm và giải pháp.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT TP cho biết, dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được phê duyệt năm 2013, đã điều chỉnh năm 2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Đến hôm nay, dự án chậm tiến độ 6 tháng so với phê duyệt chứ không phải chậm 10 năm.

Đường Hà Nội thành sông và công trình chống ngập 10 năm không về đích - 1
Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Ảnh: Infonet

Ông Mỹ cho rằng, việc úng ngập khu vực phía Tây của Hà Nội thời gian qua một phần do trạm bơm tiêu Yên Nghĩa chậm tiến độ nhưng "không phải nguyên nhân cơ bản" vì theo quy hoạch, một số trạm bơm lớn khác chưa được xây dựng.

Hết năm 2018, trạm bơm đã xây dựng xong phần đầu mối, gồm trạm bơm, bể hút, bể xả, cống xả tiêu và đã đảm bảo tiêu úng. Đến năm 2019 bắt đầu triển khai đấu thầu xây dựng kênh dẫn nước La Khê, hơn 5,7km. Đến thời điểm này đã ép cọc được hơn 70%, tổng khối lượng trên công trường hơn 68%...

Không hài lòng, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã ngắt lời ông Mỹ và lưu ý ông không báo cáo lại như báo cáo UBND TP đã gửi mà cần nêu rõ dự án chậm, bây giờ vướng mắc ở đâu, cam kết bao giờ xong, liên quan cơ quan nào... "chứ mình không nói về công suất".

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với quận Hà Đông để tháo gỡ khó khăn. “Khi có mặt bằng đầy đủ, chúng tôi cam kết thi công xong sau 6 tháng”, ông Mỹ nói.

Cùng tham gia giải trình, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, việc giải phóng mặt bằng chậm hơn 6 tháng so với kế hoạch với nguyên nhân là tồn tại lịch sử về quản lý đất đai các thời kỳ, người dân không phối hợp, không cung cấp được hồ sơ đất, xác nhận tình trạng ăn ở. Thị trường bất động sản biến động càng khiến người dân chưa đồng thuận, xảy ra khiếu kiện...

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu lãnh đạo quận Hà Đông nói rõ về thời gian cụ thể, sau đó bà Hà nói đến quý III sẽ bàn giao tối thiểu 85% mặt bằng, hết năm 2022 là 100%.

Còn ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, qua 2 lần điều chỉnh, thời gian hoàn thành dự án là hết năm 2022. Hiện vướng mắc chủ yếu là việc giải phóng mặt bằng xây dựng kênh dẫn nước La Khê. Ông Quyền cho biết trong tháng 6 vừa qua đã xuống Hà Đông họp và chỉ đạo xử lý từng việc liên quan. Chậm nhất năm 2022 phải hoàn thành xong giải phóng mặt bằng theo kế hoạch.

Sau khi có mặt bằng sạch, Sở NN&PTNT cam kết thi công 6 tháng xong, nghĩa là đầu năm 2023 sẽ xong.

“Việc chậm triển khai trạm bơm rõ ràng là ảnh hưởng một phần đến việc thoát úng ngập ở phía Tây", ông Quyền thừa nhận và cho biết sau mấy trận mưa lớn vừa qua, UBND TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các nhà thầu khơi thông toàn bộ kênh La Khê để đưa nước vào trạm bơm vận hành, bơm tiêu úng ngập.

Theo kết luận của Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, lãnh đạo các sở ngành cần triển khai, đôn đốc dự án trạm bơm Yên Nghĩa vì đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong tiêu thoát nước, nhất là trong bối cảnh mưa lớn không tiêu thoát được nước nhưa vừa qua.

“Quý I/2023 phải hoàn thành trạm bơm này, nếu có khó khăn vướng mắc thì UBND TP cần tập trung chỉ đạo”, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội chốt về tiến độ và lưu ý lãnh đạo sở ngành cần thực hiện lời hứa trước cử tri.

 

Theo Trần Thường (VietNamNet)