Đưa Remdesivir vào phác đồ điều trị Covid-19

07/08/2021 08:30:34

Trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cần theo dõi chặt chẽ chất lượng, hiệu quả của thuốc Remdesivir

Chiều 6-8, Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng hội đồng chuyên môn đã tiến hành họp để đưa bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19.

Phải được bác sĩ chỉ định

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hội đồng chuyên môn đã thống nhất bổ sung thuốc kháng virus Remdesivir vào phác đồ hướng dẫn, điều trị sau khi xem xét các khía cạnh chất lượng, hiệu quả của thuốc trong hỗ trợ điều trị BN Covid-19. "Remdesivir là thuốc hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc đặc trị. Hơn nữa, đây là thuốc mới nên việc sử dụng thuốc cho BN phải được bác sĩ chỉ định. Trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cần theo dõi chặt chẽ chất lượng, hiệu quả của thuốc" - PGS Khuê nhấn mạnh.

PGS Khuê cũng cho biết Remdesivir không phải thử nghiệm lâm sàng mà được đưa vào điều trị ngay cho người bệnh. Toàn bộ lô thuốc Remdesivir về Việt Nam sẽ được chuyển cho các cơ sở y tế ở TP HCM và các tỉnh miền Nam sử dụng hỗ trợ điều trị cho BN ở thể trung bình và nặng.

Đưa Remdesivir vào phác đồ điều trị Covid-19
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở y tế ở TP HCMẢnh :VŨ MẠNH CƯỜNG

Trước đó, thuốc này đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho BN Covid-19, từng được cựu Tổng thống Mỹ sử dụng để chữa Covid-19. Đây là thuốc kháng virus phổ rộng, sử dụng dưới dạng truyền tĩnh mạch, thời gian sử dụng thuốc cho một đợt điều trị là 10 ngày, được đánh giá dựa trên một phân tích dữ liệu từ công trình nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát với 1.063 BN Covid-19, bắt đầu ngày 21-2-2020. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy Remdesivir giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân nặng, giảm lượng virus nhanh hơn, rút ngắn thời gian điều trị cho người mắc Covid-19.

Theo một chuyên gia y tế, đây vẫn là thuốc mới, cần có thời gian đánh giá hiệu quả. "Người dân không nên kỳ vọng quá nhiều vào thuốc này. Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là cần thực hiện tốt công tác phân tầng điều trị dựa vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, giúp hệ thống y tế tuyến tỉnh giảm áp lực quá tải, xác định đúng nhu cầu điều trị, chăm sóc, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm nhân lực của ngành y tế" - chuyên gia này nói. Chuyên gia này cũng cho biết có tới 80% BN Covid-19 ở thể nhẹ và có một tỉ lệ lớn BN không có biểu hiện gì và bệnh có thể tự khỏi, do đó cần đặc biệt chú ý theo dõi sức khỏe ở nhóm BN Covid-19 nguy cơ cao và rất cao để có hướng xử lý kịp thời.

Vượt trội hơn giả dược

Mặc dù tác dụng của Remdesivir trên BN Covid-19 vẫn đang được bàn cãi trên khắp thế giới nhưng một số nghiên cứu khoa học cho thấy dấu hiệu khả quan từ loại thuốc này trong việc rút ngắn thời gian nằm viện.

Theo The British Medical Journal (BMJ), được nhắc đến nhiều nhất là nghiên cứu ACTT-1 được tài trợ bởi Viện Y tế quốc gia Mỹ, đã tìm thấy lợi ích đáng kể của Remdesivir trong việc rút ngắn thời gian điều trị ở một số BN nặng, dù không tìm được lợi ích được cho là có ý nghĩa trong việc cải thiện tỉ lệ sống sót trong vòng 29 ngày. Việc thử nghiệm này công bố vào tháng 10-2020 đã thúc đẩy việc thuốc được cấp phép ở Anh, EU và Mỹ cho dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ sự thất vọng trong một tuyên bố vì các kết quả từ thử nghiệm Solidarity của họ trên hơn 11.000 người ở 405 bệnh viện thuộc 30 quốc gia cho thấy cả 4 loại thuốc tiềm năng (Remdesivir, Hydroxychloroquine, Lopinavir-Ritonavir, Inteferon beta-1a) đều chỉ có ít hoặc không ảnh hưởng đối với tỉ lệ tử vong và khả năng trì hoãn nhu cầu hỗ trợ hô hấp - điều mà WHO mong đợi.

Theo báo cáo cuối cùng của nhóm ACTT-1 được đăng tải trên The New England Journal of Medicine (NEJM) vào đầu tháng 10-2020, họ đã tiến hành thử nghiệm mù đôi ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược. 1.062 BN từ nhiều bệnh viện ở Mỹ, Đan Mạch, Anh, Hy Lạp, Đức, Hàn Quốc, Mexico, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Singapore được phân nhóm ngẫu nhiên (541 người dùng Remdesivir, 521 người dùng giả dược). Họ đều là người trưởng thành, nhập viện với bằng chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Những người dùng Remdesiver qua đường tiêm tĩnh mạch với liều 200 mg vào ngày đầu tiên, tiếp theo là 100 mg mỗi ngày trong tối đa 9 ngày bổ sung. Kết quả sau 29 ngày nghiên cứu cho thấy BN dùng Redemsivir được phát hiện có nhiều khả năng cải thiện lâm sàng hơn người dùng giả dược vào ngày thứ 15. Thời gian hồi phục trung bình của họ là khoảng 10 ngày, trong khi nhóm đối chứng (dùng giả dược) là 15 ngày. Tỉ lệ tử vong sau 29 ngày ở nhóm BN nặng này là 11,4% ở người dùng Redemsivir và 15,4% ở người dùng giả dược. Tác dụng ngoại ý nghiêm trọng được báo cáo ở 24,6% người dùng Redemsivir và 31,6% người dùng giả dược.

"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng Redemsivir vượt trội hơn giả dược trong việc rút ngắn thời gian hồi phục ở người lớn nhập viện với Covid-19 và có bằng chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới" - nhóm tác giả kết luận trên NEJM. 

Lô thuốc Remdesivir đầu tiên do Tập đoàn Vingroup đàm phán, nhập khẩu để hỗ trợ điều trị Covid-19 đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất tối 5-8. Dự kiến, đến tuần sau, sẽ có khoảng 100.000 lọ thuốc Remdesivir tiếp theo về tới Việt Nam để kịp chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp việc điều trị cho BN Covid-19 nặng. Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt - 500.000 lọ Remdesivir do Công ty Dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Mỹ. Với 500.000 lọ, số thuốc trên có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 BN Covid-19 tại Việt Nam.

Theo N.Dung (Nld.com.vn)