Tại hội nghị trực tuyến phòng chống COVID-19 tuần trước, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Y, dược cổ truyền kết hợp Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo làm đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Xuyên tâm liên trên bệnh nhân COVID-19.
Điều đó dấy lên nỗi tò mò của nhiều người, ai cũng thắc mắc xuyên tâm liên là gì, có thể tự mua về dùng hay không thần dược” để điều trị bệnh COVID-19? Liệu xuyên tâm liên có gây ra tác dụng phụ cho nhóm người bệnh nào không?
Xuyên tâm liên là vị thuốc gì?
Tại Việt Nam, xuyên tâm liên được biết đến với nhiều cái tên khác như công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ… Từ thời xa xưa, xuyên tâm liên được các lương y dùng nhiều trong bài thuốc chữa bệnh, được biết đến như là “thần dược” chữa được bách bệnh.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Trong Đông y, xuyên tâm liên vị đắng, tính lạnh, có công dụng chữa rôm sảy, trừ mụn nhọt, trị bệnh do ho lạnh, giảm viêm amidan, viêm phế quản…
Có một thời gian, khi các loại kháng sinh thế hệ mới ra đời, nhiều phương thuốc trị bệnh từ xuyên tâm liên đã bị quên lãng, không còn được coi trọng như trước nữa. Tuy nhiên, mới đây, một nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Jadavpur (Ấn Độ) đã chứng minh thành phần andrographolide và một số hợp chất khác có trong xuyên tâm liên có thể ứng dụng vào làm thuốc chống viêm, hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đồng thời, chúng cản trở sản sinh cytokine và các yếu tố gây viêm khi nhiễm virus.
Ngoài ra, thành phần andrographolide được đánh giá có thể kháng lại virus tiềm năng trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, giúp giảm mức độ viêm hiệu quả. Chúng còn cải thiện các triệu chứng hô hấp, ức chế virus, tăng cường sức khỏe miễn dịch để chống lại các yếu tố gây bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh (Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế), trong đợt dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang vừa qua, Cục này đã dùng bài thuốc có chứa xuyên tâm liên là Ngọc bình phong tán vào việc điều trị các bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2. Kết quả được ghi nhận là tương đối tích cực.
Theo PGS Thịnh, trước đây xuyên tâm liên là vị thuốc phổ biến, dễ kiếm tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, cả nguyên liệu và thuốc thành phần đều trở nên khan hiếm. Tại Việt Nam, nhiều vùng không còn trồng xuyên tâm liên với số lượng lớn mà chỉ gieo trồng nhỏ lẻ. Thời gian thu hoạch là vào tháng 9 – 10 hàng năm.
Xuyên tâm liên không phải là "thần dược" để điều trị covid-19 và những lưu ý cần phải biết
Theo các chuyên gia, tuy việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 bằng xuyên tâm liên có nhiều tín hiệu khả quan. Thế nhưng, không nên coi chúng là “thần dược” để điều trị bệnh COVID-19. Thực tế, trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 do Bộ Y tế công bố, ngoài xuyên tâm liên thì có rất nhiều dược liệu khác như thanh cao hoa vàng, diếp cá, vàng đắng, nghệ, gừng... và nhiều vị thuốc khác, các bài thuốc khác. Các dược liệu này đều có lợi cho sức khỏe, sẵn có ở Việt Nam.
Chia sẻ về lưu ý khi dùng xuyên tâm liên, TS. Trần Minh Ngọc (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) cho biết: Người dân không nên tự ý mua xuyên tâm liên về sử dụng, đặc biệt với mục đích phòng ngừa COVID-19 mà cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Cần lưu ý rằng:
- Người dân chỉ được sử dụng xuyên tâm liên nếu có sự hướng dẫn của thầy thuốc.
- Trong quá trình sử dụng, có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, phát ban, mệt mỏi, nhức đầu, sổ mũi…
- Tuyệt đối không dùng xuyên tâm liên ở liều cao vì có thể gây sưng các tuyến bạch huyết, tạo nên phản ứng dị ứng, tăng men gan.
- Không nên dùng liên tục quá 5-7 ngày vì có thể gây hại cho sức khỏe, chẳng hạn như gây tê tay chân, hạ huyết áp, tổn thương thận.
- Chuyên gia khuyến cáo người bệnh đang dùng thuốc tăng huyết áp, chống đông máu warfarin và aspirin giảm đau cần thận trọng khi dùng xuyên tâm liên.
- Người suy thận, suy gan thì tốt nhất không nên dùng. Nếu thấy xuất hiện biến chứng nghiêm trọng, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn và chẩn đoán bệnh kịp thời.
Theo Đậu Đậu (Nhịp Sống Việt)