Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu Trung Quốc đòi thêm tiền

08/07/2015 09:47:02

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tiếp tục phải dời tiến độ thêm nửa năm, từ cuối năm 2015 sang tháng 6.2016, do những rắc rối về chi phí tăng thêm mà tổng thầu EPC Trung Quốc đòi hỏi.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tiếp tục phải dời tiến độ thêm nửa năm, từ cuối năm 2015 sang tháng 6.2016, do những rắc rối về chi phí tăng thêm mà tổng thầu EPC Trung Quốc đòi hỏi.

Đội giá gần gấp đôi

Theo ông Dư Giang, Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc), việc xử lý lún tại khu depot đang chậm và phải đến 30.6.2016 mới hoàn thành được khu depot, do chênh lệch về giá hợp đồng.
 

Tổng thầu EPC nợ nhà thầu phụ tới 367 tỉ đồng, khiến dự án chậm tiến độ - Ảnh: Ngọc Thắng

“Phương án đã được phê duyệt trước đây, gói thầu xử lý lún trị giá 38 tỉ đồng. Tổng thầu EPC cam kết không tăng kinh phí dù sử dụng phương pháp khác, nhưng nay lại đòi thanh toán với mức 70 tỉ đồng. Chúng tôi không thể trả tiền theo mức mới mà tổng thầu đưa ra được”, ông Nguyễn Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt, nói. Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn phía VN cho rằng, không cần phải xử lý lún toàn bộ khu depot mà chỉ xử lý khu vực nào cần, nhưng tổng thầu EPC vẫn đòi hỏi phải xử lý toàn bộ.

Tổng thầu không có... vốn

Tổng thầu EPC cũng thông tin đến tháng 3.2016 mới lao lắp dầm xong. Tuy nhiên, Ban QLDA đường sắt cho rằng việc lao lắp dầm chậm do thỏa thuận giá cả thi công giữa EPC và các nhà thầu phụ. Tổng công ty xây dựng Thăng Long đã lao lắp được 80 phiến dầm nhưng do vướng mắc về kinh phí nên đã bỏ. Thậm chí, theo ông Lê Kim Thành, đến nay tổng thầu vẫn chưa xác định được sẽ mua ray tàu ở đâu, chủng loại nào, ai cung cấp.

 Cũng theo Ban QLDA đường sắt, dù Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc được chỉ định làm tổng thầu EPC nhưng vốn lưu động không có. Toàn bộ kinh phí cho dự án lớn này phụ thuộc vào tiền thanh quyết toán với Ban QLDA đường sắt. Do vậy, đến nay tổng thầu vẫn nợ các nhà thầu phụ lên tới 367 tỉ đồng. Việc chậm trễ chi trả cho thầu phụ được xem là lý do khiến tiến độ của dự án đang rất chậm.

Chưa kể, Ban QLDA đường sắt còn cho biết, nhiều gói thầu tổng thầu EPC đưa ra những đơn giá tính không có cơ sở gì. “Họ vừa gửi công văn cho Ban QLDA đòi tăng thêm 19 triệu đồng/dầm, như vậy thành 269 triệu đồng/dầm. Chúng tôi cũng không hiểu họ tính toán kiểu gì?”, ông Thành thắc mắc. Trước câu hỏi của ông Thành, ông Dư Giang “xin rút lại đề xuất tăng thêm 19 triệu đồng”, giữ ở mức 250 triệu đồng/dầm.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu tổng thầu EPC rà soát, thay thế các nhà thầu phụ sau các vụ tai nạn vừa qua, do tổng thầu chưa chọn đúng thầu phụ. Đồng thời, phải đảm bảo tiến độ 30.6.2016 đưa dự án vào vận hành. Ngày 15.10 tới đây phải đưa mẫu đoàn tàu đầu tiên về nước để người dân đóng góp ý kiến.

Ông Trường cũng chốt con số cuối cùng chi phí tăng thêm (phần vốn vay phía Trung Quốc) của dự án là 250,62 triệu USD. Tổng thầu EPC và Ban QLDA đường sắt phải căn cứ vào con số này để quản lý. Từ tháng 8.2015 sẽ thực hiện cơ chế Tổng thầu EPC có quyền quyết định tất cả, Ban QLDA đường sắt chỉ nghiệm thu kết quả, chất lượng các sản phẩm của Tổng thầu EPC bàn giao, nếu vốn tăng và tiến độ tiếp tục chậm thì Tổng thầu EPC phải chịu trách nhiệm.
 

Phương án đã được phê duyệt trước đây, gói thầu xử lý lún trị giá 38 tỉ đồng. Tổng thầu EPC cam kết không tăng kinh phí dù sử dụng phương pháp khác, nhưng nay lại đòi thanh toán với mức 70 tỉ đồng. Chúng tôi không thể trả tiền theo mức mới mà tổng thầu đưa ra được

Ông Nguyễn Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt
 

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10.2011, cam kết hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý 1/2015 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về mặt bằng, điều chỉnh vốn, dự án phải lùi tiến độ đến tháng 12.2015. Đầu năm 2015, sau hai sự cố tai nạn lớn, dự án lại được lùi thời hạn đến tháng 3.2016. Nhưng tới thời điểm này, mốc hoàn thành dự án lại được lùi tới 30.6.2015.

Cùng với những lùm xùm về tiến độ, tai nạn, dự án cũng có bị đội vốn rất lớn. Tổng mức đầu tư của dự án tăng thêm 315 triệu USD, lên 868,04 triệu USD so với dự kiến ban đầu là 552 triệu USD. Trong số 315 triệu USD tăng thêm, phần vốn vay ODA phía Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng phía VN (chủ yếu dành cho đền bù GPMB, chi phí quản lý dự án...). Lý do đội vốn được đưa ra là tăng chi phí xây dựng 146,3 triệu USD, chi phí thiết bị tăng 77 triệu USD, mua sắm đoàn tàu tăng hơn 19,4 triệu USD...
 
>> Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Ngập scandal!
>> Mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc, Bộ trưởng Thăng bị… đe dọa
>> Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Sẽ mua 10 tàu của Trung Quốc?
>> Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: "Đóng cửa" ga La Thành
>> Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông “xê dịch” thời gian về đích
>> Thay Tổng Giám đốc, yêu cầu Tổng thầu đường sắt trở lại Việt Nam
>> Năm 2016 sẽ chạy thử tuyến đường sắt trên cao Hà Nội
 
Theo Mai Hà (Thanh Niên Online)

Nổi bật