UBND TP HCM vừa lập Đoàn kiểm tra dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỷ) theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa làm trưởng đoàn, có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá dự án về các vấn đề: tạm ứng cho nhà thầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép cho hạng mục cơ khí cửa van, thay đổi thiết kế cống kiểm soát triều Mương Chuối, đề nghị giảm chi phí lưu kho của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị thi công dự án)...
Trước đó, trong báo cáo gửi UBND TP HCM, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam (liên doanh được chọn làm tư vấn giám sát dự án) cho biết, chủ đầu đã sử dụng vật liệu thi công cửa van thép không thống nhất với khâu thiết kế (dùng thép có nguồn gốc Trung Quốc chứ không phải của các nước thuộc khối G7). Việc này chưa được chính quyền thành phố chấp thuận, có khả năng khiến chi phí duy tu bão dưỡng cao hơn.
Chủ đầu tư khẳng định đã xin ý kiến thành phố
Lý giải về việc thay đổi tiêu chuẩn thép, đại diện Tập đoàn Trung Nam nói, đã có văn bản xin chỉ dẫn cũng như xác nhận việc này trước khi thực hiện. Đến ngày 22/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẳng định tính phù hợp khi thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống.
Sở này cũng kiến nghị UBND thành phố yêu cầu Trung tâm Điều hành chống ngập và liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng "khẩn trương kiểm tra hồ sơ và xác nhận khối lượng thi công hạng mục lắp đặt cửa van các cống kiểm soát triều của chủ đầu tư theo đúng quy định".
Về việc thành phố lập đoàn kiểm tra đánh giá dự án, chủ đầu tư cho là động thái rất bình thường. Bởi đây là dự án lớn, trong quá trình triển khai có phát sinh và cần có những thay đổi phù hợp với thực tế hiện trường. Mặc dù đã được thành phố đồng ý chủ trương nhưng về mặt thủ tục pháp lý cần điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi cho phù hợp. Luật quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra đánh giá đầu tư trước khi phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
"Đây là hoạt động luật định nhằm đánh giá hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp dự án tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật, hoặc liên quan đến pháp lý nhằm giải quyết và tái khởi động dự án trong thời gian sớm nhất", đại diện chủ đầu tư đánh giá.
Trước đó, cuối tháng 8, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, chủ trì cuộc họp với các bộ ngành để giải quyết những vướng mắc xung quanh dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã ngừng thi công hơn 4 tháng do Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn ngừng giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn).
Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TP HCM và Tập đoàn Trung Nam hồi tháng 6/2016, dự án có tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng và sẽ hoàn thành sau 36 tháng (6/2019). Lãnh đạo thành phố sau đó yêu cầu rút ngắn thời gian xuống còn 22 tháng để sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng. Chủ đầu tư và các sở ngành đều cam kết hoàn thành trước ngày 30/4 năm nay. Tuy nhiên, dự án bị trễ hẹn do bị vướng giải tỏa mặt bằng. Chính quyền thành phố và chủ đầu tư thống nhất dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm sau.
Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, công trình cũng giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Để đảm bảo mục tiêu, dự án tập trung xây dựng các cống kiểm soát triều lớn và xây dựng tuyến đê dài. Bao gồm các hạng mục ở quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha.
Theo Hữu Nguyên (VnExpress.net)