Liên quan đến dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đang "mắc cạn", chiều 20-8, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp với các sở - ngành, quận - huyện liên quan. Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, tại cuộc họp này, lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị làm việc cụ thể với Ngân hàng (NH) Nhà nước và NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về ý kiến của chủ đầu tư cho rằng nếu TP không ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân thì NH không giải ngân vốn cho dự án.
Dự án có "ba bên, bốn bề"!
Trước đó, chủ đầu tư dự án - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam) - thông báo ngưng thi công dự án vì BIDV dừng giải ngân vốn. Theo Trung Nam, do UBND TP chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Bình luận về ý kiến này, một lãnh đạo Sở Tài chính TP khẳng định việc TP ký xác nhận hoàn toàn độc lập với việc giải ngân của BIDV cho dự án. Cụ thể, tại cuộc họp bàn các giải pháp chống ngập hôm 28-5, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nêu quan điểm dự án chống ngập do triều đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) nên khi công trình hoàn thành thì TP mới nghiệm thu. Khi có kết quả nghiệm thu thì TP mới thanh toán. Tuy nhiên do chủ đầu tư vay vốn từ NH nên yêu cầu TP xác nhận về mặt khối lượng để hoàn tất giải ngân. "Dĩ nhiên, TP biết thì TP ký xác nhận còn không biết thì TP không xác nhận" - ông Tuyến đã khẳng định.
Kế tiếp, liên quan đến dự án này, trong cuộc họp báo về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm ngày 3-7, một lần nữa, UBND TP mà người đại diện là Chánh Văn phòng Võ Văn Hoan cho biết tính theo tiến độ TP đặt ra khi khởi công dự án (hoàn thành sớm hơn 1 năm) thì tiến độ bị chậm. Theo ông Hoan, trong quá trình thực hiện dự án, các bên liên quan gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn đầu tiên là vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện UBND TP đang tập trung khắc phục công tác này. "TP đang chỉ đạo quyết liệt các quận - huyện, doanh nghiệp (DN) có đất nằm trong phạm vi dự án phải khẩn trương di dời, giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư" - ông Hoan cho hay. Điểm vướng thứ hai là thủ tục thanh toán. Ông Hoan dẫn giải: "Ở đây nói nôm na là "ba bên, bốn bề". Tức là hợp đồng "tay ba" giữa nhà đầu tư; BIDV - chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra vòng vốn và thanh toán vốn trực tiếp; UBND TP. Thêm bên thứ 4 nữa là NH Nhà nước. Vốn này là vốn cho vay lại, thay vì cho vay trực tiếp thì NH Nhà nước thông qua BIDV cho vay lại nên có sự giám sát của NH Nhà nước. Do đó, thủ tục thanh toán có "dích dắc" hơn, khó khăn hơn so với bình thường".
Theo người phát ngôn UBND TP, đối với các dự án lớn, thanh toán gặp khó khăn cũng là chuyện bình thường bởi quy định đòi hỏi nhiều thủ tục để kiểm tra, rà soát, đánh giá tính trung thực, chất lượng, giá cả… Tất cả mọi khâu vốn rất phức tạp, khó khăn. Đến thời điểm này, việc giải ngân dường như đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. "Hiện nay, cả 2 vướng mắc đến thời điểm này đã có hướng tháo gỡ. Vấn đề còn lại là TP đẩy giải phóng mặt bằng cho nhanh để bàn giao cho nhà đầu tư. Ngược lại, nhà đầu tư phải cố gắng hoàn chỉnh tất cả hồ sơ, khối lượng đã thực hiện để có thể giải ngân nhiều hơn, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án" - ông Hoan nhấn mạnh. Thông tin thêm, ông Hoan nói UBND TP đã cam kết với Ban Thường vụ Thành ủy đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành, đưa dự án vào vận hành khai thác.
Điệp khúc "thủ tục"
Trở lại câu chuyện "siêu máy bơm" chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cứ lòng vòng chưa có hồi kết dù chủ đầu tư liên tục đề xuất tạm ứng tiền sau ký hợp đồng, lãnh đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập) nói đơn vị này sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới của các DN cùng tham gia chống ngập với TP nên dự án chống ngập bằng "siêu máy bơm" đã được triển khai thí điểm.
Cụ thể, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Chống ngập, cho hay đơn vị đã trình hồ sơ thiết kế, dự toán (trong đó bao gồm cả đơn giá cụ thể của dịch vụ thuê máy bơm do Tập đoàn Quang Trung thực hiện) lên Sở Giao thông Vận tải TP để sở này thẩm định và trình lên UBND TP thông qua. "Hiện Sở Giao thông Vận tải đã thẩm định xong và đang trình UBND TP. Sau khi được TP duyệt đơn giá và thiết kế thì Trung tâm Chống ngập và Tập đoàn Quang Trung sẽ ký thêm phụ lục hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập để DN có thể làm thủ tục thanh toán" - ông Long khẳng định.
Đề cập dự án thí điểm chống ngập bằng hồ điều tiết ngầm do Công ty VMCTech thực hiện ở đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) mà đại diện chủ đầu tư cho rằng vô cùng hiệu quả với thực trạng ngập cục bộ ở TP, ông Đỗ Tấn Long thừa nhận những ưu điểm của dự án mà chủ đầu tư đưa ra. "Hồ điều tiết ngầm hiệu quả và hoàn toàn có thể áp dụng được ở TP" - ông Long nhấn mạnh và thông tin thêm vừa qua, quận 12 đề xuất làm hồ điều tiết ngầm ở sân bóng đá Cây Sộp (phường Đông Hưng Thuận) để chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá và phía Trung tâm Chống ngập TP đã có ý kiến ủng hộ cách làm này. Theo tìm hiểu, hồ ở sân bóng đá Cây Sộp được Công ty VMCTech báo giá 44 tỉ đồng.
Ông Trần Văn Chín, Chủ tịch HĐQT Công ty VMCTech, cho rằng nếu TP ủng hộ, đơn vị cam kết thực hiện thêm những hồ điều tiết ngầm khác ở các vị trí mà Trung tâm Chống ngập TP tính toán được dung tích nước mưa chảy tràn. Bên cạnh đó, DN cũng chủ động lập danh mục các vị trí có thể thực hiện trên cơ sở đánh giá thủy lực và quy hoạch xây dựng để đề xuất cơ quan chức năng thực hiện.
Cuối cùng, ông Long tiếp tục khẳng định việc dùng hồ điều tiết (lộ thiên và ngầm) để chống ngập là việc mà các đơn vị liên quan đến công tác chống ngập đang đẩy nhanh thực hiện. Tuy nhiên, thông tin theo quy hoạch thì TP sẽ làm 104 hồ điều tiết để chống ngập là chưa chuẩn xác. "Con số này do phía đơn vị tư vấn đi kiểm tra thực địa và xác định, dựa trên cơ sở có thể tận dụng, kết hợp làm hồ điều tiết. Còn vị trí chính xác từng hồ thì chưa có bởi quy hoạch này đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP lập và nằm trong quy hoạch chung TP. Khi quy hoạch này được thông qua thì mới xác định làm hồ điều tiết ở vị trí nào, làm hồ tập trung hay hồ phân tán ở từng quận, huyện" - ông Long lý giải.
Thất vọng!
Gặp người dân được hưởng lợi sau khi các hạng mục cống ngăn triều do Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư, ai cũng bày tỏ sự thất vọng bởi dự án "ì ạch", trái ngược với cam kết ban đầu mà chủ đầu tư đưa ra.
Ông Nguyễn Hoàng Hà (ngụ đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận Tây, quận 7) nói tuyến đường Trần Xuân Soạn luôn ngập đều đặn theo con nước hằng tháng. Lúc khởi công cống ngăn triều Tân Thuận, hàng ngàn hộ dân sinh sống ở khu vực này khấp khởi vui mừng bởi công trình có thể hoàn thành vào dịp 30-4-2018, đồng nghĩa với mùa triều cường từ tháng 7 đến tháng 11 năm nay sẽ thoát khỏi cảnh ngập. Thế nhưng...
"Lỗi của ai chúng tôi không biết nhưng cái kiểu cứ khởi công là hứa để rồi sau đó thất hứa là không chấp nhận được. Mong rằng cái mốc thời gian hoàn thành cuối năm 2019 mà UBND TP ấn định không lùi nữa. Đừng để chúng tôi thêm một lần thất vọng" - lời ông Hà.
Riêng người dân có nhà cửa bị nứt, sụt lún khi Công ty Trung Nam xây dựng cống ngăn triều Phú Định thì nghi ngờ về năng lực của chủ đầu tư cũng như các cam kết bồi thường cho những người chờ dự án hoàn thành để đánh giá tổng thể thiệt hại.
Theo Trung tâm Chống ngập TP, hiện TP còn 15 điểm ngập. Trong năm 2018, đơn vị này đăng ký giải quyết ngập cho 7 điểm. Đó là ngập ở đường Tôn Thất Hiệp (quận 11), Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú), Hồ Văn Tư (quận Thủ Đức), Mễ Cốc 2, Lưu Hữu Phước 2 (quận 8) và An Dương Vương (đoạn thuộc quận 6)...
Theo Đông Nguyễn- Phan Anh (Nld.com.vn)