Sáng ngày 27/11, Quốc hội vừa bấm nút thông qua dự án luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 1/7/2024), để thay thế cho luật CCCD. Với việc đổi tên gọi từ luật CCCD sang luật Căn cước, thẻ CCCD cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.
Đến nay, có nhiều loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại, gồm: chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số, thẻ CCCD mã vạch, thẻ CCCD gắn chip.
Tới đây, khi luật Căn cước có hiệu lực (1/7/2024), thêm một mẫu giấy tờ tùy thân mới, với tên gọi là căn cước, sẽ được ban hành khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu CMND, thẻ CCCD đã được cấp có còn hiệu lực, có cần phải làm lại không?
Liên quan đến vấn đề này, luật Căn cước dành riêng điều 46 để quy định về điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2024) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Đối với CMND còn thời hạn sử dụng, luật nêu rõ là được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
Một câu hỏi khác được đặt ra, hết ngày 31/12/2024, các loại CMND sẽ hết giá trị sử dụng, nhưng tới 1/7/2024 luật Căn cước mới có hiệu lực; trong khoảng thời gian chờ này, người dân sử dụng giấy tờ tùy thân như thế nào?
Khoản 3 điều 46 luật Căn cước quy định: thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Như đã đưa tin, sáng nay (27/11), các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước. Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật được áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân, Luật lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ tại Luật Căn cước công dân hiện hành thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an" để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật.
Một trong những điểm mới của Luật là quy định về độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước (Điều 21). Theo đó, công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước nêu trên có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ tiếp theo.
Về thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, Điều 26 quy định, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Luật, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Hiền Lê (SHTT)