Thất nghiệp, hết tiền, hàng ngàn người dân ở các tỉnh phải rời TP.HCM, Bình Dương trở về quê bằng cách… đi bộ. Dẫu trên hành trình hồi hương vất vả... với quãng đường cuốc bộ dài hàng trăm cây số nhưng với mong muốn được trở về đoàn tụ với gia đình họ vẫn cắn răng vượt qua trong tâm thế "đi được đến đâu hay đến đó".
Hai vợ chồng với hành trang chỉ có bộ quần áo với tấm võng... mỗi lúc mệt mỏi lại nghĩ đến đứa con làm động lực
Vì hoàn cảnh khó khăn, kinh tế khánh kiệt nên vợ chồng chị Trần Nhã Loan (quê Trà Vinh) chỉ xách theo bộ đồ, dắt túi vài chục nghìn túc tắc đi bộ từ TP.HCM về quê Trà Vinh.
"Cả gia đình có cái xe máy mà đem đi cầm rồi. Giấy tờ xe mang đi cầm từ hồi đầu năm ấy, rồi giờ đi chuộc lại thì người ta nói giá cao quá, không có tiền để lấy lại. Rồi hôm trước em ra đường mua thức ăn đợt TP đang thực hiện Chỉ thị 16 nên bị công an giữ xe".
Bây giờ giãn cách rồi nên hai vợ chồng đi bộ về quê vì chủ nhà đuổi, không có tiền trả nên không thuê tiếp được. Tụi em bấm bụng đành đi bộ về chứ không biết làm thế nào. Chủ trọ đuổi lần này là lần thứ hai rồi, bà ấy vô khoá cửa nên hai vợ chồng đành phải dọn ra. Xin được nán lại 1 tuần lễ nhưng vì không có đủ tiền đóng nên vẫn bị đuổi đi", chị Loan cho biết đường cùng không còn chỗ nào để ở nữa nên hai vợ chồng mới tính đến chuyện về quê.
Sau khi bị đuổi khỏi nhà trọ, 2 vợ chồng lay lắt ngủ ngoài gầm cầu đã hai đêm nên dù xa xôi và mệt mỏi nhưng cũng quyết tâm đi bộ về đến quê.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, chị Loan cho biết, hai vợ chồng chị đã có một bé, nhưng đợt dịch vừa rồi chị đã gửi con về quê trước với người chị gái và đang thực hiện cách ly.
"Trước giãn cách, tôi đi làm công ty may nhưng sau đó dịch bùng phát công ty phát hết lương tháng cuối, khoảng hơn 4 triệu đồng cho hơn 10 ngày làm việc rồi báo nghỉ đến giờ là thất nghiệp 3 tháng rưỡi rồi. Còn chồng tôi đi làm phụ hồ".
Bên cạnh đó, chị Loan cho biết trong suốt nhiều tháng giãn cách cả gia đình chị chỉ nhận được 5 kí gạo, cuộc sống rất khó khăn. "Tôi không hề nhận được hỗ trợ nên có lên xã để hỏi nhưng họ bảo gọi đến đường dây nóng đi. Hai vợ chồng có gọi đến đường dây nóng nhưng đều báo máy bận. Đói quá lại khó khăn nên đành gửi con trai nhờ chị hai đem về quê từ 2 hôm trước. Trong túi còn mấy chục ngàn nhưng đành lội bộ về quê đến đâu hay đến đó, chỉ mong về đến quê".
"Lúc đầu tụi em đi cũng có đem mền gối, nhưng đi được 1 quận thì hai vợ chồng đuối quá nên bỏ bớt chỉ xách theo bộ đồ với cái võng, đi đến đâu mệt thì giăng võng ngủ nghỉ ở đó. Chứ mình đi bộ cũng đâu có chỗ nào để tắm, đâu có gì để ăn... Người ta cho gì thì ăn đó thôi. Từ đây về quê hơn trăm cây lận, xách nặng tụi em cũng đuối không có đi nổi".
Theo chia sẻ của vợ chồng chị Loan chuyến về quê này anh chị sẽ ở lại quê luôn chứ không tính quay lại TP.HCM. "Em tính về quê chuyến này là ở nhà giữ con luôn. Lên trên này mang tiếng kiếm nhiều tiền nhưng xoay sở vòng vòng rồi cũng tiêu hết. Những lúc dịch bệnh, khó khăn như thế này không có gì chi tiêu. Giờ nếu giãn cách thêm đợt nữa là chết đói thật luôn".
Hai vợ chồng chị Loan đi bộ hàng trăm km về quê nhưng vét hết túi chỉ còn hơn 90 nghìn đồng. Thương cảm cho hoàn cảnh của hai vợ chồng, một người đàn ông đã gửi chút tiền để có thêm kinh phí ăn uống dọc đường.
Mỗi lúc mệt mỏi, hai vợ chồng lại dừng chân ngồi nghỉ bên đường, tranh thủ gọi cho đứa con nhỏ 6 tuổi đang cách ly ở quê để có thêm động lực. Vợ chồng chị Loan cũng cảm thấy vui khi dọc đường đi có rất nhiều người giúp đỡ cho đồ ăn, nước uống, bánh mì, sữa... trên suốt dọc đường về Trà Vinh.
Cả gia đình 4 người chỉ có 7.000 đồng trong túi để đi bộ về quê
Cũng như nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, cả gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ cũng đang trên đường dắt díu nhau đi từ Long An về Kiên Giang sau nhiều tháng thất nghiệp vì dịch bệnh. Hoàn cảnh khó khăn không có phương tiện đi lại nhưng may mắn có người tặng cho chiếc xe đạp để chở đồ đạc đỡ được phần nào vất vả trong suốt hành trình dài.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Thạch Thị Thanh cho biết, "Trên Long An thất nghiệp suốt từ tháng 5 tới giờ nên đành đi bộ về nhà. Dù đường xa nhưng đành để cả 2 đứa con đi bộ cùng, khi nào nó mỏi chân thì nó kêu bố mẹ bế. May mắn dọc đường cũng được mọi người giúp đỡ đồ ăn, nước uống và sữa cho 2 đứa nhỏ.".
Cả gia đình chẳng có tài sản gì quý giá, ngoài chiếc túi có vài bộ đồ chằng đằng sau chiếc xe đạp. Hai đứa nhỏ vì mệt mỏi khi di chuyển quãng đường xa nên nằm ngủ lăn lóc trên manh chiếu trải dưới nhà dân bên đường.
Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình chị Thanh cũng xác định lần này về quê ở hẳn không trở lại Sài Gòn nữa.
"Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ khổ sở như thế này. Trước kia về quê đều đi xe đò, nhưng lần này chỉ có đi bộ về. Chứ ở đây không có tiền đóng tiền nhà, cả gia đình về phải trốn chủ trọ vì thiếu tiền. Gia đình ở quê cũng mong ngóng trở về".
Chồng chị Thanh cũng chia sẻ, dù đi đường rất mỏi, chân nhiều vết chai và bọc nước nhưng không còn cách nào khác nên đành cắn răng đi về quê. "Lên đây 5 tháng mà chỉ làm được 1 tháng thôi còn lại thất nghiệp. Gạo thì được mạnh thường quân giúp đỡ cho nhưng không có tiền trả tiền trọ rồi tiêu lặt vặt nên bắt buộc phải về.
Trước kia hai vợ chồng làm phụ hồ, công việc đều thì cũng dư được chút đỉnh nhưng dịch như này thì thua. Hôm trước, tôi có gọi cho cai thầu rồi nhưng họ báo vẫn chưa có việc nên đi về.
Cả quãng đường dài, tôi thì đeo ba lô với dắt xe đạp, còn lại 2 đứa nhỏ đi bộ, đứa nào mệt thì mẹ nó cõng. May có chiếc xe đạp nó cũng tiện hơn chút".
"Mình tính lên đây sẽ lập nghiệp ở đây nhưng chịu hết nổi đành phải về. Ở quê hai bên nội ngoại đều nghèo nên cũng cố lên TP tìm kiếm cơ hội phát triển, rồi nuôi hai đứa nhỏ nhưng dịch bệnh...", vợ chồng chị Thanh chia sẻ.
Sau nhiều tháng dời quê đi TP lập nghiệp, khi quyết định quay trở về trong túi của vợ chồng chị Thanh chỉ còn lại 7.000 đồng. Cả gia đình 4 thành viên chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của những người tốt bụng dọc đường và các cô chú cùng đi bộ về quê.
Theo Viết Thanh - Kingpro (Pháp Luật & Bạn Đọc)