Những ngày này, Quốc lộ 1A, hướng về miền Tây còn ồ ạt dòng người về quê như những ngày trước. Những chuyến xe hồi hương cuối cùng cũng đang lần lượt trở về.
Khởi hành từ TP Thủ Đức lúc 5 giờ sáng, chị Hứa Thị Kim Ánh cùng con nhỏ bắt đầu chuyến hành trình dài nhất từ trước đến giờ bằng xe máy. Chị Ánh địu con nhỏ trước ngực, một mình tự chạy xe máy về Sóc Trăng.
“Chạy đến đâu mệt thì nghỉ đến đó, mẹ con tôi bây giờ không thể ở TP HCM được nữa, mong muốn lớn nhất là về quê với chồng và con”, chị Ánh rưng rưng nước mắt.
Dịch bệnh kéo dài khiến chị Ánh mất việc, không còn đủ tiền lo cho con nhỏ, dù biết khó khăn và nguy hiểm nhưng chị không còn sự lựa chọn nào khác tốt hơn. Do có con nhỏ nên cả ngày chị mới đi đến huyện Bình Chánh.
Được một nhóm thiện nguyện hỗ trợ thức ăn, nước uống và tiền xăng, chị Ánh cảm thấy ấm lòng vì mình không lẻ loi trong chặng đường này.
Càng về tối, ánh đèn đường và đèn xe hiu hắt, con người cũng trở nên nhỏ bé so với màn đêm. Thỉnh thoảng thấy vài ánh đèn của nhóm thiện nguyện hỗ trợ thức ăn, nước uống, thấy ảnh đèn của trạm xăng chính là niềm vui của những người về quê trong đêm lạnh.
Vì nhớ cháu ngoại, bà Trần Thị Ớt lên TP.HCM thăm cháu mới được vài ngày thì dịch bùng phát khiến. Cũng vì dịch mà con gái bà đi làm thuê không được về nhà. Tưởng rằng lên TP HCM sẽ được đoàn tụ với gia đình con gái nhưng rồi bà Ớt cũng phải lủi thủi 1 mình ở chung cư Thới An ( quận 12, TP HCM) .
Con gái đã đăng ký nhiều chuyến xe 0 đồng nhưng mãi bà vẫn chưa được đón về. Bệnh tình của chồng bà ở An Giang lại trở nặng khiến bà lo lắng nhiều hơn. Không thể chờ đợi thêm, bà quyết định đi bộ trở về quê nhà.
Ở tuổi 76, cái tuổi gần đất xa trời, việc đi lại cũng khó khăn vậy mà giờ đây bà Ớt lại phải đi bộ quãng đường dài hàng trăm cây số, hình ảnh bà cụ khom lưng bước đi trên con đường đầy bụi trong khiến ai cũng lặng người.
Bà Ớt chia sẻ: “Con cái tôi đông lắm, nhưng mỗi đứa ở một nơi, tôi không muốn làm phiền con cái nên nói dối là đi xe đò về quê cho tụi nó an tâm. Ở quê tôi làm ruộng nên đi bộ thế này cũng không sao, miễn là được về đến nhà”.
Được người hàng xóm ở quận 12 cho 1 chiếc xe nôi cũ, bà Ớt vui mừng chất hết toàn bộ đồ đạc của mình lên xe rồi đẩy đi. Khi đi bộ đến địa phận thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, bà Ớt được lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát hỗ trợ cơm và nước uống. “Mọi người nói tôi ngồi ở đây, mọi người sẽ giúp tôi tìm xe để đi nhờ về quê. Tôi lo lắng quá nên ăn không nổi, chỉ muốn được về quê xem chồng mình thế nào”, bà Ớt bộc bạch.
Với đôi mắt buồn, bà ngồi trong chốt kiểm soát mà thấp thỏm không yên, cứ nhìn từng chiếc xe đi qua, hi vọng có ai đó đồng ý chở bà về. Khoảng 20 giờ tối, sau khi lực lượng công an thuyết phục, cuối cùng cũng có 1 chiếc xe tải chịu chở bà về quê.
Các chiến sĩ công an dìu bà lên xe tải, chiểc xe nôi thì để ở thùng xe. Tuy đã lên xe rồi nhưng bà vẫn không quên ngoái nhìn, kiểm tra xem chiếc xe “gia tài” của mình có bị bỏ quên lại không.
Bà nắm chặt tay CSGT và cảm ơn, ánh mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc khó tả.
Đêm cứ tối dần, màn sương cũng nặng hạt, những dòng người người vẫn lặng lẽ xuyên đêm hướng về miền Tây. Mảnh đất quê hương luôn giang rộng vòng tay đón những người con xa xứ trở về.
Theo Nguyễn Phạm (Nhịp Sống Việt)