Đây là giải pháp mạnh tay của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tiến tới chuẩn hóa các thông tin thuê bao, giảm thiểu tình trạng sử dụng “sim rác” để thực hiện các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo bùng nổ trong thời gian qua.
Cụ thể, Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng công bố, đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp trực tiếp uỷ quyền) theo từng tỉnh, thành phố.
Tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung có liên quan tới các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhân viên trực tiếp thực hiện đăng ký, phát triển, chuẩn hoá thông tin thuê bao, bảo đảm tất cả các thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hoá lại phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp.
Cục Viễn thông cho biết, trường hợp nhà mạng vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới. Đặc biệt là với các hành vi như cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao 2 đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, các thuê bao di động bị sai thông tin cần chuẩn hóa trước ngày 31/3, thông tin chuẩn hóa phải trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu không chuẩn hóa, thuê bao di động sẽ bị khóa.
Với các thuê bao sai thông tin, nhà mạng sẽ thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo. Sau 15 ngày tiếp theo, thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện.
Sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều, nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.
Đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết sẽ gửi thông báo đến các thuê bao sai thông tin qua tin nhắn thương hiệu VinaPhone, các cuộc gọi thông báo sẽ được thực hiện qua số điện thoại 0888001091 và cuộc gọi tự động với thương hiệu hiển thị là VinaPhone.
Đại diện MobiFone cho biết, hơn 1,4 triệu thuê bao của nhà mạng này có thể chuẩn hóa thông tin qua app MyMobiFone, tại hệ thống cửa hàng MobiFone trên toàn quốc hay trên website.
Theo đại diện Viettel, với tập khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin, nhà mạng này có nhiều giải pháp hỗ trợ như chuẩn hóa thông tin qua ứng dụng di động, xây dựng tổng đài tiếp nhận đối tượng chuẩn hóa.
Việt Nam hiện có 127 triệu thuê bao di động, ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone chiếm 96% thị phần. Trong số này, hơn 3,5 triệu thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư.
Theo ông Nhã, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao sẽ giúp hoạt động dịch vụ viễn thông lành mạnh, hiệu quả hơn, góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục.
Các nhà mạng bị xử phạt 3 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, tháng 3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông có quyết định 611 về việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định và sim sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Kết quả, việc quản lý thông tin thuê bao của doanh nghiệp còn có nhiều sai phạm như tình trạng vẫn còn sim đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao, sim có đầy đủ thông tin thuê bao khi chuyển quyền sử dụng cho cá nhân khác không cập nhật theo quy định.
Các doanh nghiệp viễn thông và 39 điểm ủy quyền bị xử phạt tổng số tiền 3 tỷ đồng. "Đây là lời nhắc nhở các doanh nghiệp viễn thông phải nghiêm túc trong việc thực hiện quy định", ông Nhã nói.
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)