Nhiều người lao đao
Phát hiện bệnh tan máu từ năm 2012, bà Đặng Thị Thanh (65 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) đã phải “nhờ cậy” vào thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Bà cho biết, mỗi tháng bà phải lên Viện Huyết học Truyền máu T.Ư điều trị một lần, mỗi lần tiền điều trị hơn 3 triệu đồng, trong khi bà chỉ là giáo viên về hưu, lương cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng.
“Tôi thuộc diện cận nghèo, phải đồng chi trả 5% viện phí, do đó mỗi tháng chỉ phải trả khoảng 200.000 đồng viện phí thôi. Nếu không có BHYT chắc tôi không thể kiên nhẫn điều trị bệnh đến giờ” – bà Thanh nói.
Về việc viện phí sẽ tăng khoảng 3,2%, bà Thanh cho biết, với mức tăng đó, bà chỉ chi trả 5% viện phí tương đương vài chục ngàn đồng, bà không thấy ngại ngần gì. Tuy nhiên, bà Thanh hy vọng, các dịch vụ y tế sẽ mở rộng quyền lợi hơn cho người bị bệnh nặng, đảm bảo đủ thuốc, đủ vật tư để người bệnh không phải mua ngoài, như vậy sẽ giúp họ có hy vọng sống.
“Mỗi tháng tôi phải uống thuốc thải sắt, nhưng đợt vừa rồi Viện hết thuốc mà bệnh của tôi không thể trì hoãn điều trị. Do đó, tôi đã phải bỏ hơn 3 triệu đồng để mua thuốc ở bên ngoài. Nếu thường xuyên như vậy thì tôi sẽ gặp khó khăn” – bà Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), 10 tháng đầu năm 2018, Quỹ BHYT đã thanh toán cho 50 bệnh nhân với số tiền từ 400 triệu đồng đến hơn 4,7 tỷ đồng. Bệnh nhân được chi trả cao nhất là M.H (sinh năm 1984, trú quán xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) điều trị tại BV Chợ Rẫy, với số tiền lên đến 4,7 tỷ đồng. Bệnh nhân này mắc bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền (Hemophilia A) và tăng tiểu cầu tiên phát.
“Các bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn nêu trên thường mắc các bệnh về máu, chủ yếu là bệnh Hemophilia. Nếu không có BHYT mà phải chi số tiền “khủng” như vậy chắc chắn sẽ nhiều người phải tán gia bại sản, rơi vào “bẫy nghèo” của bệnh trọng, thậm chí phải từ bỏ điều trị. Đây chính là ý nghĩa to lớn của BHYT” – ông Tỉnh nói.
Trước đó, trong tháng 7.2018, 40 dịch vụ y tế đã được điều chỉnh giảm giá sau khi BHXH và Bộ Y tế đã khảo sát và nhận định các dịch vụ y tế này chưa tính đúng, tính đủ, tính sát với sử dụng thực tế. Các dịch vụ được điều chỉnh như: Giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị, các dịch vụ cận lâm sàng: X-quang, chụp cộng hưởng từ, nội soi tai-mũi-họng, siêu âm, chụp cắt lớp... Trong đó, giá khám chữa bệnh sẽ giảm từ 10 - 20% tùy hạng bệnh viện.
Như vậy, với mức tăng viện phí lần này, nhiều dịch vụ y tế cũng “chưa bằng” giá trước tháng 7.2018.
Người nghèo được “bao bọc”
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định hiện nay, giá dịch vụ y tế đang được tính bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở. Hiện, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1.390.000 đồng (từ 1.7.2018) thì giá dịch vụ y tế cũng cần điều chỉnh theo.
Do đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Khi điều chỉnh theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng thì giá các dịch vụ y tế tăng trung bình 3,2%, riêng giá khám bệnh, ngày giường tăng 11%. Theo đó, giá khám bệnh sẽ tăng từ 3.000-4.000 đồng/lượt khám, tiền giường bệnh tăng từ 20.000-75.000 đồng. Quy định này có hiệu lực từ 15.12.2018.
Việc tăng viện phí là tất yếu, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người có BHYT. Vì vậy, người dân cần tham gia BHYT đầy đủ để “bảo hiểm” cho kinh tế của gia đình. Ai biết lúc nào mình phát hiện ra bệnh trọng, bị tai nạn bất ngờ”.
Ông Nguyễn Tá Tỉnh - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam)
Về lo lắng việc điều chỉnh viện phí liên tục sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, người khó khăn, ông Liên khẳng định, điều đó sẽ không tác động nhiều. “Chính sách hiện nay của Nhà nước ta, các đối tượng khó khăn như đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người sống ở vùng kinh tế khó khăn, biên giới, xã đảo, người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng… đều đã được ngân sách mua thẻ BHYT. Các đối tượng này, khi đi khám chữa bệnh cũng được BHYT thanh toán 100%. Còn người cận nghèo cũng chỉ phải đồng chi trả 5%, với mức tăng giá viện phí bình quân 3,2% như hiện nay thì mức tác động không nhiều. Với đối tượng bình thường, đồng chi trả 20% thì mức tăng 3,2% cũng khá khiêm tốn” – ông Liên phân tích.
Ngoài ra, ông Liên khẳng định, việc tính đúng, tính đủ của giá viện phí như hiện nay sẽ giúp người dân không phải mua vật tư y tế bên ngoài, do đó, nếu có thẻ BHYT, người dân sẽ được “bảo hiểm” về kinh tế nếu như bị bệnh.
Theo chính sách BHYT như hiện nay, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở (hơn 8,3 triệu đồng). Điều này sẽ đảm bảo cho người bệnh không phải chịu gánh nặng quá lớn về tài chính nếu như bị bệnh trọng.
Cùng về vấn đề này, ông Tỉnh cho biết, chính sách BHYT của Nhà nước ta đã “bao bọc” hầu hết các đối tượng nghèo, khó khăn, diện chính sách. Mới đây, Nghị định 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1.12.2018 cũng đã bổ sung thêm nhiều đối tượng được điều chỉnh tăng mức hưởng khi đi khám bệnh BHYT. Cụ thể, như: Đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: Trước đây, quy định mức hưởng 100%, có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật, theo quy định mới mức hưởng vẫn là 100% nhưng không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán; Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng: tăng từ 80% lên 100%.
Ngoài ra, Nghị định số 146 cũng bổ sung thêm 3 nhóm do ngân sách Nhà nước đóng: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.
“Việc tăng viện phí là tất yếu, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người có BHYT. Vì vậy, người dân cần tham gia BHYT đầy đủ để “bảo hiểm” cho kinh tế của gia đình. Ai biết lúc nào mình phát hiện ra bệnh trọng, bị tai nạn bất ngờ” -ông Tỉnh nói.
Theo Diệu Linh (Dân Việt)